Người đàn bà đứng cạnh Vy làu bàu: “Tàu với chả bè”, rồi trút tiếng thở dài. Vy nhìn đồng hồ, chợt nhớ đến cái bảng thông báo giờ tàu đến 16 giờ 34 phút. Chậm đúng nửa tiếng. Thường cái gì chính xác quá lại không chính xác.

“Tàu đến”, ai đó nói như reo. Ga Huế náo nhiệt hẳn lên bởi tiếng gọi, tiếng kêu của đám người đông kịt, tiếng mời chào dẻo quánh của các cô gái bán hàng rong. Hành khách kẻ lên người xuống, kẻ đón người đưa bu kín cả thành tàu. Vất vả lắm Vy mới đu người được lên tàu.

Lách mãi Vy mới đến được khoang của mình. Mọi người đã ngồi kín, hình như họ lên ga từ trước. Thu xếp xong hành lý, Vy thở phào, áp mặt ra cửa tàu có chắn tấm lưới bảo hiểm đón gió. Bức quá! Mồ hôi ướt rỏng lưng. Chắc là sắp có giông, mây đen nhuộm xám cả bầu trời thế kia. Vy hắt hơi mấy cái liền, có lẽ trong nhà đang nhắc mình đấy. Giờ này chắc đông đủ cả, nghe đâu vợ chồng anh chị Biên từ Hà Nội cũng bay vào hôm qua.

Thật ra Vy đã thấp thỏm về chuyến đi này cả tuần lễ rồi. Nhưng kẹt, sáng qua cô mới thi lấy chứng chỉ C Anh văn nên không thể vào sớm hơn được. Cách đây hơn tháng, mẹ đã viết thư nhắc nhẹ, có cả trách móc: “Hồi trước U thương con nhất vậy mà dăm ba lần kỵ vẫn không thấy mặt mũi đâu”. Quỳ, em út Vy cũng xin vài dòng tái bút chua lét : “Chị Vy ơi vào mà xin U phù hộ độ trì cho để kiếm tấm chồng không thì ê sắc đấy”. Con Quỳ chỉ được cái lếu tếu nhất nhà, ai nó cũng đùa được.

Hình như một lần, mẹ cũng bảo Vy như thế. Vy mới ngoài hai mươi tuổi mà mẹ đã có lý do “Cứ làm như thời mẹ không bằng”. Nhưng nghĩ lại chỉ thấy thương mẹ. Thử hỏi trong nhà có đến bảy cô gái, bảy quả bom nổ chậm mẹ không lo sao được. Rồi nghĩ ngợi “Chả lẽ chuyện chồng con lại quan trọng vậy sao”.

Chả biết U có linh hiển hay không mà từ ngày U mất trong nhà hễ có chuyện lễ lược, cưới xin chuyện làm ăn, chuyện đi Tây, chuyện thăng quan tiến chức là mẹ lại dâng lễ cầu xin U. Thực hư thế nào Vy không tường nhưng huyền thoại về U cứ nối dài ra mãi.

Bắt đầu là cái gia sản kếch xù của anh Chỉnh. Anh Chỉnh là anh cả Vy, chưa đầy 30 tuổi đã là tay có máu mặt ở thành phố. Ở Sài Gòn phồn hoa đô hội mà nhà mặt tiền phố chính, cái để ở, cái cho doanh nghiệp nước ngoài thuê, cái nào cũng chót ngót ba bốn tầng; xe hơi đời mới loại xịn, trong nhà bội thực tiện nghi cùng cô vợ xinh đẹp không kém gì người mẫu thời trang.

Nhiều lần mẹ giảng giải với con cháu rằng: “Hồi Mậu Thân pháo kích từ biển nã vào thành phố mù trời. U bị sập hầm, chính thằng Chỉnh đã phát hiện ra và đào bới cứu được U. Rồi khi U ốm đau nó chăm sóc U tử tế lắm. Sau này U mất, công việc bề bộn thế mà nó vẫn bỏ cả tuần lễ ra Huế bốc mộ U đưa vào Sài Gòn hỏa tang rồi gửi chùa. Nó bảo: “Như thế không lẫn, không mất mà tiện bề hương khói”. Rồi mẹ kết luận: “Nó sống trước sau tình nghĩa thế nên giờ U mới phù hộ độ trì cho nó ăn nên làm ra”. Con Quỳ cãi: “Mẹ chỉ được cái mê tín, anh Chỉnh giàu là vì anh ấy buôn lậu xuyên quốc gia. Máu liều như anh ấy tháng kiếm vài ngàn đô là thường”. Rồi nó nheo mắt tặc lưỡi: “Mà cũng coi chừng của thiên lại trả địa”. Mẹ xén ngang: “Nói chi vô hậu, phải biết kiêng mồm kiêng miệng, mê tín là thế nào, toàn chuyện nhỡn tiền cả đấy thôi, đâu chỉ có chuyện của thằng Chỉnh”.

Dường như để khẳng định thêm sự linh nghiệm, mẹ lại kể chuyện chị Trang đi thi đại học. Vừa nhìn thấy đề thi đã bủn rủn chân tay, chị khẩn cầu U hãy giúp đỡ chị. Thế là như có người mách bảo, chị Trang cứ thế viết liền một mạch không phải nghĩ ngợi gì cả. Quỳ lại chích: “Mẹ nói chi lạ, U đâu có biết chữ mà đòi giải toán đại học được? Mẹ không biết đấy thôi, chị Trang nhà mình có bằng quay ca-mê-ra hạng siêu đấy mẹ ạ”. Vớt vát mẹ bảo: “Thần thánh cần gì phải học mới biết, thế chuyện chị Tâm mày lấy chồng bảy tám năm trời không đẻ đái gì, nếu không dâng lễ hậu cầu xin U thì bây giờ có cu Tuấn không? Còn đời cô đấy!”. Quỳ lắc đầu, biết nói với mẹ cũng vô ích. Nó hét to: “dxet – xờ”.