(iBlog.vn) Trong hầu hết các trường hợp, sự khẳng định lòng tin khiến cho một người trở nên trưởng thành và có trách nhiệm như vậy đấy.

Năm đó, tôi tròn 15 tuổi vào tháng Tư. Và tất cả điều đó, với tôi, chỉ có một ý nghĩa duy nhất: tôi có thể lái ôtô, dù là với bằng lái xe giới hạn. “Giới hạn” tức là tôi chỉ được lái xe nếu có bố hoặc mẹ ngồi ở ghế bên cạnh. Dù như thế trông hơi “trẻ con” và bớt chút “phong cách”, nhưng có hề gì. Suốt cả ngày, tôi chỉ mơ tưởng thấy mình và chiếc ôtô mà thôi!

Tôi tới Phòng An toàn Công cộng luôn vào hôm sinh nhật mình. Một chú cảnh sát xem xét hồ sơ của tôi, rồi bảo tôi quay nghiêng mặt để chụp ảnh. Sau đó, tôi bước sang ô cửa bên cạnh và một cô cảnh sát khác đưa cho tôi tấm thẻ:

– Đây là bằng lái xe giới hạn tạm thời của em. Bằng giới hạn hoàn chỉnh thì em sẽ nhận được sau 5-6 tuần nữa.

Đấy! Thế là tôi có bằng lái! Mẹ cười:

– Chúc mừng con, nhưng mà phải lái xe cho an toàn! Không bao giờ được quên đấy!

Và khi tôi ngồi sau vô-lăng chiếc xe cũ kỹ màu xanh của mẹ – tất nhiên, với mẹ ngồi ngay bên cạnh – thì mẹ tôi liên tục nhắc:

– Con lái xe thế nào thì lái, nhưng không bao giờ được vượt qua xe cảnh sát.

Vài ngày sau, khi tôi đang lái xe thì một chiếc xe cảnh sát chợt đi vượt lên và chạy trước xe tôi khoảng 10m. Ngay lập tức, mẹ tôi hét tướng lên:

– Mike, đi chậm lại! Đừng vượt xe cảnh sát!

Tôi vội vàng giảm tốc độ từ 50km/h xuống còn 40km/h. Thật ngạc nhiên, chiếc xe cảnh sát đó cũng đi chậm hẳn lại. Và vì mẹ lại rối rít nhắc, nên tôi lại giảm tốc xuống còn 30km/h. Chiếc xe cảnh sát đi chậm lại hơn nữa, và tôi lại nghe tiếng mẹ thảng thốt:

– Đừng có vượt xe cảnh sát!

Lúc này, tôi có thể tưởng tượng ra trên tờ báo ngày mai sẽ có dòng tít: “Mike Segal đã bị thua trong cuộc đua ôtô với xe cảnh sát và một chú rùa”. Cho nên, tôi nhấn ga, tăng tốc lên 40km/h, vượt luôn xe cảnh sát. Mẹ tôi kêu lên đầy tuyệt vọng!

Ngay lập tức, chiếc xe cảnh sát phía sau bỗng nhiên chớp đèn liên tục trên nóc và hụ còi… đuổi theo. Tôi đành đánh lái vào sát vỉa hè rồi dừng lại.

tintuong-600x400

Một chú cảnh sát lại gần xe chúng tôi, trong khi đó mẹ tôi vẫn than phiền:

– Mẹ đã bảo con bao nhiêu lần rồi, đừng bao giờ vượt xe cảnh sát. Bây giờ thì khổ rồi đấy!

Chú cảnh sát lại gần cửa sổ xe tôi và bảo:

– Cho chú xem bằng lái của cháu được không?

Tôi đưa cho chú ấy xem bằng. Chú ấy xem xét rất cẩn thận, còn mẹ tôi cứ cố giải thích… Nhưng chú cảnh sát chỉ hỏi tôi:

– Tại sao cháu lái xe chậm một cách… đáng nghi như vậy? Chú tưởng cháu cố tình tránh xe cảnh sát?

Tôi đành giải thích cho chú ấy nghe “lời khuyên” của mẹ tôi. Chú ấy phá lên cười và quay sang mẹ tôi:

– Thưa bà, tôi rất hiểu sự lo lắng mà bà dành cho con trai của mình, nhưng trong một số chuyện, chắc chắn cậu ấy có thể độc lập mà làm tốt được, ví dụ như lái xe chẳng hạn.

Mỗi khi nhớ lại lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất “bị cảnh sát hỏi thăm” đó, tôi vẫn còn thấy thú vị. Tôi có cảm giác rằng chính nhờ câu nói đầy tin tưởng của chú cảnh sát mà tôi luôn nhắc nhở mình phải lái xe an toàn.

Trong hầu hết các trường hợp, sự khẳng định lòng tin khiến cho một người trở nên trưởng thành và có trách nhiệm như vậy đấy.