(iBlog.vn) Người ta bày tỏ tình cảm với nhau bằng nhiều cách, có người khéo léo và có người thì vụng về. Không phải cứ nói ra bằng lời nghĩa là yêu và cũng không phải im lặng nghĩa là chẳng hiểu gì về nhau. Anh trai tôi là thế đấy.

Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường. Với một thằng con trai như tôi, bình thường nghĩa là cuộc sống chỉ đủ ăn đủ mặc, thậm chí nhiều lúc thiếu thốn, học hành cũng chỉ được liệt vào loại khá của lớp. Vì thế, cái ước mơ du học phương trời Tây với tôi là vô cùng xa xỉ, thậm chí chưa một lần tôi dám mơ đến viễn cảnh đó, mặc dù người ta nói rằng “Có ai đánh thuế ước mơ đâu”.

Tôi có một người em gái cũng bình thường như cuộc sống nhạt nhẽo mà tôi đang có. Nhỏ Thảo kém tôi đến 9 tuổi, cái khoảng cách dường như thuộc về hai thế hệ ấy tạo nên sự khác biệt hoàn toàn trong suy nghĩ, tính cách và lối sống của chúng tôi. Có lẽ vì thế chưa một lần tôi tâm sự hay muốn chia sẻ những điều riêng tư của tôi với nhỏ Thảo. Chúng tôi gây gổ với nhau từ những chuyện nhỏ nhặt đến những chuyện to tát hơn.

wallpaper_still_to_you_by_analaurasam-d6bzzus

– Này! – Tôi chìa cuốn sách đưa cho nhỏ Thảo.

– Cái gì đấy ạ? – Vẻ băn khoăn và sợ sệt, hệt như ngày nhỏ bị tôi bắt chép lại tập thơ Bầu trời trong quả trứng của Xuân Quỳnh và làm những bài toán khó trong tập Toán nâng cao.

– Cầm lấy đi.

Nhận cuốn sách từ trên tay tôi, mắt long lanh và nó nhoẻn miệng cười.

Đó là cuốn truyện đầu tiên tôi tặng nó “Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”. Tôi không biết nó có thích không nhưng cho tới giờ vẫn thấy cuốn sách được giữ ngay ngắn trên giá sách.

Tôi vẫn cứ sống theo cái cách mà định mệnh sắp đặt cho mình. Học hết cấp ba, tôi thi lên Đại học. Nhưng có ai ngờ, số phận không an bài cho tôi một con đường thẳng tiến tới tương lai. Năm ấy tôi thi vào một trường Ngoại ngữ và kết quả là tôi trượt. Cú vấp ngã đầu đời khiến tôi mất phương hướng. Đi học Cao Đẳng, tôi vẫn nuôi quyết tâm vào đại học. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là phải thi bằng được vào ngôi trường đó. Và có gọi là may mắn không khi ba năm sau, mục tiêu của tôi mới đạt được. Con đường học hành của tôi càng chông gai hơn.

Nhỏ Thảo thì khác. Dù không phải là một học sinh xuất sắc nhưng với may mắn của nó, nó cứ thế thẳng bước vào Đại học với số điểm không đến nỗi tệ. Con đường duy nhất mà chúng tôi biết để mở ra tương lai cho bản thân chỉ là vào Đại học. Cái nỗi ám ảnh bởi hai chữ ấy cứ đeo đuổi anh em tôi và bằng mọi cách, chỉ có học Đại học chúng tôi mới kiếm được một cái nghề cho thu nhập ổn định sau này. Nhưng cuộc sống vốn dĩ khó lường, chẳng biết kiếp trước tôi có mắc nợ gì mà kiếp này tôi phải trả giá. Tôi hoàn thành sự nghiệp Đại học của mình sau 9 năm trời ròng rã. Nhiều lúc chán chường, ham chơi, bỏ học, mà cuối cùng tôi vẫn phải quay lại và trả nợ cho bằng xong, để rồi cuối cùng khi ra trường, tôi không biết có thể làm gì với tấm bằng của tôi.

Những khó khăn cuộc sống sinh viên tôi phải trải qua như là tất cả những gì tôi phải chịu thay cho nhỏ Thảo. Nó cứ dần dần bước vào năm cuối cùng của đời sinh viên một cách… bình thường. Có phải vì thế mà nhiều lúc tôi đâm ra ghét nó.

Rồi chúng tôi lớn lên…

Gia đình tôi vẫn vậy. Đôi khi hạnh phúc và đôi khi không. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chẳng có gia đình nào là không một lần lục đục, tôi nghĩ thế, nhưng nhìn tổng thể tôi có thể tự tin nói rằng: chúng tôi hạnh phúc.

Nhỏ Thảo bước vào năm cuối đại học. Nó không còn là một con bé trẻ con, tóc ngắn, hay khóc nhè méc mẹ mỗi khi bị tôi bắt nạt nữa. Nhiều lúc tôi còn vô tình quên là nó đã lớn, đã trở thành thiếu nữ rồi. Tôi thậm chí không để ý tới cảm xúc của nó. Quả thực, người ta sẽ không thể hiểu nổi người khác đang nghĩ gì, đang gặp phải khó khăn ra sao hay tâm trạng chán chường nếu người ta không đặt mình vào vị trí người ấy. Ai đã từng trải qua một nỗi buồn thì sẽ cảm thông hơn khi thấy người khác rơi vào tình cảnh tương tự. Còn những người cả đời chỉ biết ăn sung mặc sướng thì có hiểu được nỗi cô đơn canh cánh trong lòng? Tôi nhận ra điều này khi một ngày tôi tình cờ đọc được nhật ký của nhỏ Thảo.

“Tôi có một người anh trai.

Anh trai tôi không giống như những người anh trai mà tôi thường nghe kể từ lũ bạn cùng trang lứa. Anh không đưa tôi đi chơi mỗi khi có hội trại hay dịp lễ tết, khi đường phố đông đúc và náo nhiệt. Anh không mua cho tôi những món đồ chơi lung linh và sặc sỡ, hay những món quà vặt trẻ con thường ăn. Anh trai tôi hơn tôi chín tuổi. Ở cái tuổi đấy, tôi cứ mặc định rằng, anh sẽ chẳng bao giờ hiểu được sở thích của một đứa trẻ con như tôi. Nhưng anh trai tôi là một người tình cảm. Người ta bày tỏ tình cảm với nhau bằng nhiều cách, có người khéo léo và có người thì vụng về. Không phải cứ nói ra bằng lời nghĩa là yêu và cũng không phải im lặng nghĩa là chẳng hiểu gì về nhau. Anh trai tôi là thế đấy.