(iBlog.vn) Mỗi lần mẹ nhắc đến vợ mình, thế nào anh Thắng cũng nghe bà kèm theo câu “cái Vân sao dữ quá”. Mà quả đúng vậy, ở nhà anh, hai đứa con và cả… anh đều sợ Vân một phép. Mẹ anh không thích tính con dâu thứ là Vân, nên yên lòng ở với vợ chồng anh cả.

Tuy vậy, lâu lâu bà lại nhắc nhở anh “con cũng đừng có răm rắp nghe lời vợ quá thế. Phải thế nào chứ không lại mang tiếng đàn ông sợ vợ”. Anh Thắng nghe thì chỉ ậm ừ, không cãi mẹ, nhưng trong thâm tâm, nhiều khi anh nghĩ, vợ anh dữ thật, nhưng mà… dữ cũng có cái lý, cái tốt.

Đơn giản là một chuyện: Ở nhà, ba bố con anh dù có đang làm gì, hễ Vân đi làm về là người tắt ti vi, người đứng dậy khỏi sô pha, người ra khỏi phòng riêng. Ai cũng có việc gì đó để làm mà không phải là ngồi chơi điện tử, xem ti vi hay thậm chí… nằm đọc sách! Những giờ xem, giờ chơi, giờ thư giãn đó không phải là lúc này, lúc chiều muộn và mẹ vừa đi làm về! Mẹ nấu ăn thì con gái phụ bếp, bố chà nhà tắm thì con trai tưới cây… Không ai có lý do gì để ngồi không trong khi người khác làm, kể cả cậu út lên sáu nhỏ nhất nhà. Từ bé tẹo, cu con đã được huấn luyện gấp đồ, lau phòng, tự dọn dẹp phần của mình. Đúng là lúc không có vợ ở nhà thì anh Thắng và bọn trẻ vẫn quen với những việc được “phân công” nhưng thỉnh thoảng có thể phá lệ hay… lơ đãng, chứ vợ ở nhà là chẳng thể có chuyện con gái “buôn” điện thoại với bạn, con trai đòi ba cho chơi trò chơi điện tử,còn anh thì càng chẳng thể ngồi không “ôm” ti vi hay giả đò bận rộn công việc mà ôm laptop… Khi nhà có người giúp việc thì cả nhà vẫn phải… phụ với người giúp việc. Hai đứa con sợ mẹ bởi những quy định có chế tài không khoan nhượng, còn anh Thắng thì “ngại” vợ bởi những “mệnh lệnh” ngắn gọn, nói một lần không nhắc lần hai nhưng luôn có giải pháp sau đó khiến anh… khó quên.

120402goctraitim141_4767e

Chuyện quy củ, dạy con tự lập trong nhà chỉ là… chuyện nhỏ. Xưởng may riêng của vợ chồng anh, nếu Vân không quán xuyến, tháo vát lo liệu thì cũng khó vượt qua những ngày lao đao. Mang tiếng là người quản lý,nhưng tính xuề xòa cộng với cả tin của anh khiến người ta lợi dụng, làm việc gì cũng thua lỗ, mất mát, hao hụt. Vân phải nhảy vào kiểm tra giám sát, rà soát, chấn chỉnh lại các khâu thì công việc mới ổn định, có lãi và phát triển, mở rộng thêm lên. Anh Thắng nghĩ mà thương vợ, mang tiếng là vợ sếp dữ dằn, quyền hành, cái gì cũng theo sát chồng, nhưng thử hỏi Vân không lao vào cùng anh như thế thì giờ đây xưởng may cũng không còn, chứ chẳng nói đến chuyện mở rộng, tuyển thêm nhân công, nhận thêm nhiều hợp đồng, mỗi lúc một phát triển như vậy.

Cũng nhờ cái “khó” và “dữ” của Vân nên anh Thắng bỏ được thuốc lá, bỏ được tật xấu từ… thuở nhỏ là hay ngủ nướng để hình thành thói quen chạy bộ buổi sáng (cùng vợ) và bớt nhậu nhẹt nhiều. Trước đây, anh vin lý do công việc, hay phải đi giao tiếp, mà giao tiếp thì phải nhậu, tăng nọ tăng kia, nhưng đó chỉ là thời gian Vân sinh con gái đầu lòng. Những “tối hậu thư” cùng cách phân định rõ ràng trách nhiệm, giao việc, kiểm việc của Vân dần dần khiến anh vào “quỹ đạo”.

Vợ anh cũng tự nhận là mình “dữ”, nhưng anh thấy những cái dữ đó toàn mang đến lợi ích cho gia đình, nên anh “chịu”.