Tôi muốn ghi lại câu chuyện này thật cẩn thận. Tôi không muốn nó bị lãng quên. Một câu chuyện hay cần được kể và những điều tuyệt vời cần được lưu giữ, bằng cách này hay cách khác. Một ngày nào đó, khi trở thành một bà lão, tôi sẽ kể cho mấy đứa cháu nghe chuyện tôi đã gặp ông chúng như thế nào. Nhưng đến khi đó, tôi sợ ký ức không thắng được căn bệnh mang tên “tuổi già”, vì vậy điều cần làm lúc này là ghi chép câu chuyện vào một cuốn sổ.

Câu chuyện này bắt đầu từ những email mà tôi trao đổi với một người bạn ở Mỹ – tên Jun – khoảng giữa năm 2013.

***

Thành phố Hồ Chí Minh.

Gởi Jun!

Ở email lần trước, cậu đã yêu cầu tôi kể về thời sinh viên của mình. Cậu làm tôi nhớ lại những năm tháng khi tôi còn là một kẻ “lạc loài”.

Khi ấy, tôi là một kẻ lập dị. Một kiểu lập dị luôn chứng tỏ mình khác người. Thật ra ai ai cũng có thể là một kẻ khác người nhưng thường người ta chọn cách làm cho mình giống người khác thay vì chọn cách còn lại – giống cách tôi chọn – chứng tỏ mình là “duy nhất”.

Là một kẻ khác người không có nghĩa bạn xấu nhưng rõ là, bạn sẽ là một kẻ cô đơn.

Tôi khác người ở mọi lúc mọi nơi. Hình ảnh thường thấy ở tôi là áo quần chẳng ăn nhập với nhau và bộ mặt thờ ơ với mọi thứ xung quanh.

doi-luc-chia-tay-chang-phai-vi-het-yeu-ma-vi-tinh-yeu-khong-du-lon-de-di-den-tan-cung-gioi-han-6770cd86486081386b79629f1fa2c7eb30842a40

Sinh viên Việt Nam thường rất thích tụ tập ở các quán trà sữa trong mọi hoạt động từ chuyện trò đến học nhóm trong khi tôi lại chúa ghét món trà sữa và các quán trà sữa. Tôi thích cà phê đen không đường và la cà phố xá một mình, chỉ một mình tôi thôi. Tôi không đến những nơi mà giới sinh viên thường đến.

Trong khi bạn bè vùi đầu vào bài vở và hoạt động đoàn thể nhằm có một tấm bằng tốt khi ra trường thì tôi lại chúi mũi vào truyện tranh. Tất nhiên, nếu tôi quan tâm đến thành tích hay bằng cấp tại trường đại học, tôi sẽ không như vậy. Đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi – trong những năm học đại học, tại sao tôi lại không quan tâm đến thành tích hơn một chút. Chỉ cần một chút thôi có lẽ mọi việc xảy đến với tôi sau khi tốt nghiệp đã dễ dàng hơn.

Tôi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh ở một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, một ngành học mà những người theo học luôn mong muốn sau này trở thành nhà lãnh đạo. Tuy vậy sau khi tốt nghiệp, đa số họ đều làm nhân viên ở các công ty. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn chuyện lúc đó, khi bạn còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thì ước mơ là thứ chứng minh cho nhiệt huyết của tuổi trẻ,“Hãy cứ ước mơ đi vì bạn không bao giờ lớn hơn ước mơ của mình cả,” hay như M. Luther King cũng có một câu cứ lặp đi lặp lại mãi trong mấy bài diễn văn của ổng, “I have a dream”.

Hầu hết bạn cùng lớp của tôi là những sinh viên tham vọng. Những danh từ như : CEO, lãnh đạo, marketing, chiến lược, tầm nhìn … luôn nằm trong một quyển từ điển có tên là Mở-Miệng-Hàng-Ngày của họ. Tôi thì khác, mặc dù tôi cũng có ước mơ của riêng mình – không chỉ một mà còn rất nhiều. Tôi ước mơ thay vì đang học đại học tôi là một pháp sư thời hiện đại chuyên đi trừ ma diệt quỷ. Cũng có lúc tôi muốn là một nhà từ thiện cứu giúp cuộc đời của nhiều trẻ em bất hạnh. Rồi có khi tôi muốn là một nhà văn nổi tiếng, người có thể thay đổi tư tưởng của cả một thế hệ chỉ bằng một tác phẩm. Đừng cười ước mơ của tôi Jun ạ, khi cậu đọc đến đây. Cười ước mơ của người khác cho dù nó ngốc xít đến đâu thì thật là bất lịch sự đấy!

Lý do tôi theo học ngành Quản trị kinh doanh? Vì đó là ngành mà cha mẹ tôi chọn. Còn nguyên nhân cho việc tôi hay tưởng tượng mấy thứ điên rồ là do tôi đọc quá nhiều truyện tranh và ít lên giảng đường nghe giảng. Những giờ tôi cúp học cũng nhiều như những giờ tôi đến lớp. Cho nên tôi thật sự hối tiếc quãng thời gian đó. Tôi nghĩ nếu tôi đến lớp nhiều hơn, nghe giảng viên chỉ dạy nhiều hơn thì thay vì lậm mấy ý tưởng từ truyện, có lẽ tôi sẽ thẩm thấu vào đầu được ít nhiều những tham vọng vĩ đại mà chúng bạn tôi đang có.

Như tôi đã nói, tôi thật sự khác người – hoặc ít nhất đó là những gì tôi nghĩ – cho đến một ngày, có một người bước vào thời sinh viên của tôi.

Người ta hay dùng từ “định mệnh” để chỉ những việc đã xảy ra trong cuộc đời của họ để rồi sau đó sẽ có người nói một cách buồn bã “ai rồi cũng sẽ cố quên đi một người”, hay tiếc nuối “ai cũng có một thời để nhớ”, hay hạnh phúc “ai rồi cũng sẽ tìm được nửa kia”, … Và cuộc sống thì có rất nhiều định mệnh để con người hồi tưởng khi mọi chuyện trôi qua. Tôi cũng sẽ dùng từ này để nói về cuộc gặp gỡ giữa tôi và người ấy vì còn từ nào hay hơn để kể về một cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi một con người?