Xung quanh hoàn toàn vắng lặng, không một bóng người, không một tiếng động, loại trừ thi thoảng mới có một chiếc xe động cơ vút qua như điên rồi mất hút. Có lẽ đã gần mười hai giờ khuya rồi, cái giờ mà đúng ra không nên gọi là giờ. Tôi dừng lại, ghếch xe lên vỉa hè dưới một gốc muối, ngao ngán tựa lưng vào nệm xe lạnh ngắt vì vắng hơi người, thiu thiu rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tôi bàng hoàng tỉnh dậy vì một cái lắc vai nhẹ và một làn hơi thơm thoảng vờn qua tai “Anh ơi! Dậy đi! Anh ơi!”. Không cần giụi mắt tôi cũng thấy trước mặt tôi là một người đàn bà. Chị ta đã đứng tuổi, nền nã trong chiếc áo len cổ bẻ màu gạch tôm, ngoài khoác măng-tô xám sáng. Chiếc quần âu màu sô-cô-la may ống đứng chỉ có thể thấy ở một số phụ nữ không theo các mốt hiện hành. Dưới chiếc mũ vải cùng màu với áo măng-tô, khuôn mặt trái xoan không có đường nét gì đặc biệt của chị bỗng toát lên một vẻ gì khó nói khiến cho người ta lập tức thấy tin cậy lạ lùng. Chị xem đồng hồ tay giọng nữ trung gần như thì thầm: “Xin lỗi đã đánh thức anh, mong anh giúp đỡ!”. Tôi hỏi: “Thưa chị, chị cần gì?”. “ Xin anh vui lòng chở giúp tôi một chuyến xe”. “ Vâng. Chị về đâu?”. “Không! Tôi không đi…”. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhìn không chớp mắt vào nét mặt người đàn bà đẹp. “Ủa, chị vừa bảo…?”. “Vâng, quả như thế, tôi không đi, nghĩa là anh sẽ chở một người khác!” “Người nào? Ở đâu?”. “Đằng kia, từ bệnh viện ra!” Tôi thở hắt, vừa đẩy xe xuống lòng đường vừa quay nhìn người khách lịch sự với vẻ trách móc không giấu diếm. Chuyện xích lô chở người đau ốm vào ra bệnh viện là chuyện quá bình thường, làm gì mà chị ta có vẻ dông dài và bí ẩn thế. Tôi nhảy lên bàn đạp, lòng rộn lên một niềm vui nho nhỏ. Trong đời làm nghề đạp xích lô, tôi đã quá quen với những tiếng kêu hách dịch, xách mé: “Ê! Xích lô! Xích lô ê! Lô! Lô!…” đủ kiểu, có lẽ đây là lần đầu, tôi nhận được ở khách lòng tôn trọng và sự dịu dàng… Tôi toan đạp đi thì người đàn bà bỗng kéo tay lại, giọng chìm xuống: “Khoan, anh! Chúng ta còn có thì giờ, hãy bàn cho xong xuôi êm đẹp đã!” Tôi khựng người, chợt nhận ra một điều vô lý là vào cái giờ này làm gì còn có người ra viện. Như một tia chớp, nỗi nghi ngờ lóe lên trong đầu tôi. Người đàn bà này là ai? Chị ta đang làm gì trong đêm khuya khoắt vắng lặng này? Tôi cảm thấy như bị xúc phạm, nghiêm hẳn nét mặt lại, cố gắng để khỏi tỏ ra thô lỗ nhưng vẫn gần như dằn từng chữ: “Xin lỗi, tôi chỉ là một người làm thuê kiếm sống, song không phải vì thế mà người ta…” Người đàn bà bỗng đưa hai tay bưng mặt, ngắt lời tôi: “Không, không! Anh đừng hiểu lầm. Từ đầu hôm đến giờ, tôi đã tốn hơi tốn sức biết bao nhiêu, nhưng ai cũng từ chối. Gặp anh, thoạt nhìn, tôi nghĩ rằng mình đã tìm được!”. Tôi nóng ruột, cao giọng: “Vậy chị cần gì, xin nói ngay cho!”. “Tôi cần anh chở một người từ bệnh viện ra”. “Vâng thì đi!” “Nhưng người đó… người đó… chỉ còn là… một xác chết!” Tôi giật bắn người, lạnh toát toàn thân. Người đàn bà đứng trước mặt tôi bỗng nhòa đi, thoắt ẩn thoắt hiện như một bóng ma. Phải một phút sau tôi mới định thần lại được, nhìn xoáy vào đôi mắt chợt âu sầu của người đối diện: “Người nhà của chị à?” “Vâng, dĩ nhiên là người nhà, là em tôi!” “Họ cho chở về nhà mai táng à? Sao không làm việc đó vào ban ngày? Bệnh viện không có xe à?” Tôi hỏi dồn dập, cảm thấy mình không còn đủ bình tĩnh kéo dài cuộc đối thoại kỳ quặc này. Người đàn bà lại đưa tay xem đồng hồ, nói nhanh: “Sắp hết giờ rồi! Anh ạ, tôi thấy anh hoàn toàn chân thật, không hiểu sự việc gì đang xảy ra. Vậy anh hãy nghe đây, tôi xin nói tóm tắt. Em tôi vừa mới chết, giờ đây đang nằm ở nhà xác của bệnh viện. Nếu để ở đó, người ta cũng sẽ chôn cất chu đáo, song trước khi làm như vậy, người ta sẽ mổ tử thi để nghiên cứu, đó là việc họ cần làm, có thể quan niệm đó là một cách nhân đạo. Còn chúng tôi, chúng tôi có cách nhân đạo khác. Em tôi phải được toàn vẹn thân thể về với ông bà tổ tiên. Vì vậy, chúng ta phải tổ chức một cuộc cướp xác!” Những tiếng sau cùng, người đàn bà rít lên một cách giận dữ, khuôn mặt đẹp một cách đôn hậu của chị phút chốc đanh lại, lệch đi. Chị thản nhiên bước lên xe, không cần biết tôi có đồng ý hay không, trở lại dáng vẻ dịu dàng lịch sự, hơn nữa là thân tình, giục tôi đạp đi. Tôi như người bị thôi miên, làm theo lời người đàn bà không một chút chống lại mặc dù trước đó, trong lúc chị ta nói, tôi đã có ý định chối từ thẳng thừng. Tôi vốn là một thằng đàn ông nhát gan, có lần phải chở một người bị tai nạn giao thông trên đường phố đi cấp cứu, nhìn thấy máu, tôi đã bủn rủn tay chân ra rồi, huống hồ giờ đây phải chở một xác chết!… Vậy mà…