Một buổi chiều, trời sụp tối đột ngột. Mưa chuyển nặng hạt. Khách trong tiệm đã về hết. Tôi và chị Hường đang thu dọn ly tách thì có một xe máy dừng xịch trước cửa. Một tên con trai đen nhẻm, tóc ngắn lởm chởm, bộ quần áo cũ kỹ đã ướt mưa lại còn vằn vện vệt đất bước vào quán. Nhìn thoáng qua, cũng đủ thấy tên này có vẻ gì đó rất bặm trợn cô hồn. Tôi giật mình, lùi sát vào cái bàn có ngăn kéo cất tiền. Chị Hường từ nhà sau bước lên cũng dừng khựng. Tên khách chọn cái bàn trong góc khuất, gọi chè thập cẩm.

tumblr_n70em9uCIc1s37n07o3_500

Tôi rón rén mang ra bàn ly chè, mắt ngó chừng. Vị khách thản nhiên ăn hết. Rồi cũng mau lẹ như thế, cậu ta gọi thêm hai ly nữa, ăn trong nháy mắt. Khi cậu ta đứng dậy, thản nhiên… đi ra cửa. Dù sợ hãi, tôi vẫn lật đật chạy theo:

– Bạn ơi, bạn chưa trả tiền chè…

– À quên! Nhiêu? – Tên khách hỏi lại, khó chịu.

– Mười lăm ngàn ba ly – Tôi lắp bắp.

Cậu ta móc ra một tờ mười ngàn ướt nhẹp, đưa cho tôi:

– Thiếu năm ngàn nhe. Mấy bữa nữa ghé trả.

Nói rồi, cậu ta đi thẳng ra cái xe hon-đa cũ mèm, nổ máy phành phạch, chạy vù mất. Tui vuốt cổ cho nguôi cục sợ: “Em sợ quá chừng!” Chị Hường lo lắng: “Mấy tên lưu manh kiểu này tui rành lắm. Nó còn quay lại đây cho coi!”

Khi tôi đã quên vị khách lạ, thì cậu ta lại hiện ra, lại chọn cái bàn trong góc khuất, gọi luôn một lúc ba ly chè, cắm cúi ăn rất ngon miệng. Canh lúc cậu ta buông ly, chị Hường tới thu tiền ngay. Cũng y như lần trước, vị khách chỉ trả mười ngàn. Chị Hường cự lại: “Sao không gọi hai ly thôi?”. Cậu ta sừng lên: “Thiếu rồi sẽ trả!”, rồi ném về phía tôi một cái nhìn, rất giống như hù dọa.
Cứ như thế, vào những lúc bất chợt nhất, tên khách khó chịu lại thình lình hiện ra giữa quán, lần nào cũng thiếu lại tiền. Chị Hường tính ra tên khách đã thiếu đúng chín ly chè. Chị cương quyết: “Lần sau nó tới, chẵn mười ly, chị sẽ đòi hết!”. Tôi chán nản: “Thôi kệ chị ơi, lỡ tên đó quậy rùm lên, khách sợ bỏ đi thì mệt lắm. Coi như mình đánh rơi vài chục ngàn…”. Đứng bán tiệm chè, tiếp xúc với nhiều người, tôi biết rằng các rắc rối thường kéo theo tiền bạc. Cứng rắn là tốt, nhưng có khi nên mềm dẻo. Và quan trọng nhất, không nên tin ai cả.

Bẵng một thời gian, khi tôi và chị Hường đã quên, thì tên khách kỳ quặc lại xuất hiện, đúng lúc hai chị em vừa đóng cửa tiệm. Tôi nói ngay: “Hết giờ bán rồi!”. Tự dưng, cậu ta bật cười: “Làm gì ghê vậy. Tui ghé qua trả tiền thiếu chín ly trước kia…”. Tôi dè dặt: “Thiệt không đó?”. Tên khách lấy tiền, đưa cho chị Hường, rồi nói như phân bua: “Tui đi phụ hồ kiếm tiền học. Nhiều bữa đói quá, lại thèm ngọt, mới ghé vô ăn chè thay cơm. Hôm nay có lương, nên ghé qua trả tiền chè thiếu”. Chị Hường thở phào, cười vui vẻ: “Vậy mà chị em tui tưởng cậu là…”. Tôi bấm nhẹ tay chị Hường, ngăn lại. Tên khách vẫn cười, trước khi phóng xe đi còn ngoái lại, hẹn: “Bữa nào rảnh, tui lại ghé ăn chè đó nghe!”.

Lòng tin vào sự trung thực và tử tế của người khác có lúc tôi đã đánh mất. Nhưng rồi cậu khách có vẻ ngoài bặm trợn đã đem chúng trả lại cho tôi, nguyên vẹn và ấm áp.