Về nhà đi con gái

Bên góc vườn xưa cha vẫn ngồi đó ngóng chờ

Về nhà đi con gái

Cuối mùa này hoa Lộc Vừng vẫn nở

Nhành đỏ tươi đợi người thiếu nữ cài lên tóc

Chú họa mi ngày nào chẳng hót nữa

Cả khu vườn cây cỏ chợt lặng im

Về nhà đi con gái

Tất cả đều đang buồn rầu mong mỏi…

***

eternity_by_flabnbone-d67csc6

Một buổi sáng gần đầu mùa đông năm ngoái tôi nhận được tấm bưu thiếp của em trai gửi từ quê nhà với những dòng thơ ấy. Đã gần một năm trôi qua tôi không về nhà. Cha tôi đang bị ốm, bao nhiêu thuốc thang cũng không thể chữa được những căn bệnh của tuổi già. Ngay trong chiều hôm ấy tôi đã mua vé máy bay từ Marrid (Tây Ban Nha) về nước ngay.

Tôi bỏ tấm thiệp vào túi áo khoác, thỉnh thoảng lại lôi ra đọc, những dòng chữ trên đó đã ướt nhòe bởi những dòng nước mắt của tôi. Tôi nhớ cha mẹ, nhớ nhà, đã bao nhiêu lần tôi bảo về nhưng cứ lần lữa mãi. Hoa Lộc Vừng, cây hoa mà em trai tôi nhắc đến trong bài thơ ấy chắc là cây Lộc Vừng mà cách đó khoảng năm, sáu năm về trước cha tôi không biết xin được ở đâu đem về trồng ở một góc vườn nhỏ của gia đình. Cha chăm sóc nó rất cẩn thận, chỉ vài năm sau nó đã lớn và trổ hoa, hồi đó tôi vẫn đang học những năm đầu đại học, tôi đi xa nhà suốt. Mỗi lần về nhà tôi cũng chẳng để ý là trong vườn nhà mình có cái cây nào đó tên là Lộc Vừng, mãi đến khi nó trổ hoa một màu đỏ tươi tôi mới hỏi cha tôi đó là cây gì.

” Người ta gọi đó là cây Lộc Vừng đấy!”

“Cha trồng cây này để làm gì? Nó có quả ăn được không, sao giống như cây cảnh vậy?”

“Tao cũng không biết, nghe một người Kinh ở dưới xuôi bảo trồng cây này thì nhà sẽ có lộc, phát tài phát lộc ấy, sau này hoa nở nhiều ta sẽ có cuộc sống ấm no, đủ đầy…”

Nghe cha trả lời vậy tôi chỉ thấy trái tim mình đau nhói, cha tôi vẫn không ngừng mơ ước, mơ ước và hy vọng về một cuộc sống sung túc cho cả gia đình. Năm ấy cha tôi đã ngoài 50 tuổi, người ta luôn mơ ước những điều mình không có, cha tôi cũng vậy, cả cuộc đời cha sống trong nghèo khổ nên lúc nào cha cũng mơ ước về một cuộc sống khá giả hơn ở hiện tại. Tôi biết cha mơ ước như vậy cũng là vì mấy anh em tôi, là cho những đứa con mà ông hằng thương yêu mà thôi. Hồi trẻ cha tôi là con riêng của bà nội, ông nội tôi không yêu quý ông nên suốt những năm tháng tuổi thơ ông phải chịu rất nhiều thiệt thòi và cay đắng. Cha mẹ tôi lấy nhau cũng trong hoàn cảnh nghèo khó, vài năm sau mấy anh em tôi lần lượt ra đời cuộc sống của cha mẹ lại thêm phần khổ cực hơn. Hồi bé tôi từng bị một trận ốm rất nguy kịch, cha tôi đã phải bán chiếc đồng hồ đeo tay là kỉ vật mà cha đẻ của ông để lại cho, cha phải bán đi lấy tiền chữa chạy cho tôi.

Sau này lớn lên biết được chuyện đó lúc nào tôi cũng thầm ao ước một ngày nào đó kiếm ra tiền sẽ mua tặng cho cha mình một chiếc đồng hồ đeo tay thật đẹp. Trong suốt nhiều năm qua với công việc của một nhà báo tôi đã có cơ hội gặp không ít những vĩ nhân, người nổi tiếng trong số ấy có rất nhiều người không chỉ tài giỏi mà còn có tấm lòng nhân hậu, với tôi họ đến tuyệt vời đến mức hoàn hảo. Tôi rất ngưỡng mộ họ nhưng người tôi luôn kính trọng và thần tượng nhất trên đời này chính lại là cha tôi, một người đàn ông cả đời lam lũ, chỉ biết có ruộng vườn, cây cỏ. Một người đàn ông mà trong suốt gần sáu mươi năm cuộc đời chưa từng đặt chân đến thành phố lớn nhất đất nước của mình. Một người đàn ông chỉ biết có núi đồi, ông chưa từng đọc trọn vẹn cuốn tiểu thuyết nào thậm chí nói tiếng phổ thông còn không thạo. Cha tôi là một người cha miền núi chất phác, là một người đàn ông hầu như phần lớn cuộc đời chỉ biết hỏi: “Ngày mai sẽ ăn gì?”; “Mùa sau có đủ thóc ăn không?”; “Lấy tiền đâu gửi cho con nộp học kỳ tới?”… Đất đai ít, chẳng có vốn liếng gì, nhà đông con, vợ lại hay ốm đau… cả đời dù đã làm việc cật lực nhưng cha tôi chẳng hết được khổ cực. Cha nghiêm khắc lắm, mấy anh em tôi thường xuyên phải đòn vì những trò nghịch dại nhưng sau mỗi cái roi quất xuống mông đứa con nào là nước mắt của cha tôi tuôn rơi theo từng lằn roi ấy. Sau này tôi và anh trai lớn dù có hư cha cũng chẳng đánh nữa, chỉ mắng mỏ đôi câu. Còn các em tôi thì chẳng bị đánh bao giờ, chắc theo thời đại phương pháp giáo dục con cái của cha tôi đã khác đi.

Cha tôi nấu ăn ngon và khéo nữa nên họ hàng có tiệc tùng gì luôn nhờ ông sang nấu nướng hộ một vài món chính, anh em chúng tôi đứa nào cũng thích ăn cơm của cha nấu hơn là của mẹ. Những năm tháng nơi đất khách quê người phải ăn những món ăn khác lạ tôi luôn thấy thèm một bữa cơm gia đình nhất là những món ăn ngon mà do chính tay cha tôi làm. Ngày xưa đi học đại học, không có tiền nên dù được nghỉ lễ dài ngày tôi cũng không thể về nhà, từ thành phố về quê cũng mất gần nửa ngày đi xe khách. Thế là một mình tôi cứ lang thang quanh khu kí túc xá vắng tanh, mỗi lần như thế cha tôi lại gọi điện xuống hỏi, nghe giọng ba và các em chí chóe qua điện thoại tôi phải cố kìm nén để không òa khóc. Dù không nhìn thấy nét mặt tôi lúc đó nhưng hình như cha tôi biết rõ chuyện gì đang xảy ra, ông bảo.

“Nhớ nhà quá thì về một chuyến đi, để tao đi gửi tiền xuống cho mua cái vé xe về nhé”.

Tôi bảo không, vì biết cha cũng chẳng có tiền, cha sẽ lại đi vay, cả đời cha phải vay nợ khổ lắm rồi. Sau khi tôi ra trường đi làm được một thời gian, anh trai cả nhà tôi cũng đi xuất khẩu lao động nước ngoài, cuộc sống của gia đình tôi có khấm khá hơn nhưng tôi vẫn rất ít khi về nhà. Một lần cha tôi gọi điện:

“Tết Cơm mới này có về nhà không?”

Thấy tôi chần chừ mãi không trả lời, ở đầu dây bên kia giọng cha sốt sắng nói tiếp.