Bến đò đìu hiu trên khúc sông vắng. Cô hai Thảo đưa mắt nhìn trời đang vần vũ mây đen. Cảnh vật buồn…Người cũng buồn…Con đò ngang cũ kỹ cũng buồn…

Nhà cô Thảo đông con nhất xóm này. Cô là con gái lớn, sau cô còn tất cả bảy đứa em nữa. Người ta gọi kiểu đông con như vậy là “lít nhít như trứng gà, trứng vịt”. Mẹ mất sớm, gánh nặng gia đình đè lên vai cô. Người cha quần quật ngày đêm lưới cá ven sông, còn cô chèo đò ngang và phụ cha chăm sóc các em. Chỉ có hai đứa em trai kế cô đã thành nông dân biết cày sâu cuốc bẫm, còn lại năm đứa toàn tuổi đi học hoặc vừa nghỉ học vì gia cảnh.

Ba mươi tuổi, xóm làng cứ hỏi đùa: “Kén quá nên chưa có chồng hả ?”. Ai biết được trong lòng cô hai Thảo từng một lần yêu. Cô thích con trai ông giáo Long từ những ngày cô còn học lớp 9. Anh Thành khi ấy đang học lớp 12. Mỗi ngày cô đều đem sách vở qua nhà, nhờ anh Thành dạy kèm. Ông giáo Long cũng quý cô lắm vì cô vừa biết lo việc nhà thay cho người mẹ vắn số, vừa chăm học. Anh Thành thông cảm cho cô Thảo nên tận tình chỉ bảo. Một chút tình giữa anh gia sư và cô học trò đã nhen nhóm…

0cb59adb-4508-46c1-b9d7-46574c4bdcec

Ngày anh Thành đậu đại học cũng là ngày cô Thảo phải nghỉ học. Cha cô quyết định sắm chiếc đò để cô làm nghề đưa đò ngang, kiếm tiền lo cho mấy miệng ăn đang tuổi ăn tuổi lớn. Cha cô ngày một già yếu, cô phải nuốt nước mắt cất hết sách vở, cất hết áo trắng nữ sinh. Thảo từ nay giã từ bảng đen, trường lớp. Trên bến sông có thêm một cô gái đưa đò cho khách sang sông…

Bốn mùa cây cối thay lá. Anh Thành cầm tấm bằng Đại học và đi làm cho một công ty lớn ở Sái Gòn. Anh đặt vấn đề kết hôn với cô rồi cả hai sẽ lên Sài Gòn sinh sống. Ông giáo Long cũng trực tiếp qua nói chuyện với cha cô Thảo. Thế nhưng cô từ chối ! Cô từ chối không phải vì cô không yêu Thành, mà bởi vì cô không nỡ lấy chồng khi gia đình cô còn khổ sở quá. Cô không đành lòng yên vui hạnh phúc khi cha cô không nuôi nổi đàn con. Không có cô, chúng sẽ ra sao ? Thiếu bàn tay người chị lớn, những đứa em và cả cha cô nữa có kiếm sống được qua ngày ? Trước mặt cô là một bức tranh gia đình nhiều gam màu u tối…

Cả gia đình ông giáo Long dọn lên Sài Gòn sinh sống cho tiện công việc của anh Thành. Hơn nữa gia đình bác ấy con một nên tính như vậy cũng tốt. Đêm trước lúc chia tay, cô Thảo khóc rất nhiều. Cũng chính tại bến sông này, trên con đò này cô đã dâng hiến cho người cô yêu. Cô tự nguyện làm điều ấy, không đòi hỏi danh phận hoặc bất cứ quyền lợi gì ! Cô hành động theo con tim đập những nhịp yêu thương đầu đời

Ba mươi tuổi, một cô gái như Thảo xếp vào loại “bị ế” nơi miền thôn dã này. Cô không bận tâm về điều ấy. Vì tự cô biết rằng cô từng được đón nhận một tình yêu chân thành. Thế là đủ với cô rồi. Bây giò anh ấy đã lập gia đình, sống rất hạnh phúc. Cô chưa từng đắn đo gì về quyết định từ chối tình yêu ngày đó. Cô làm rất tốt vai trò người chị, chăm sóc cho đàn em thay mẹ, thay cha. Cô muốn sống cô đơn đến già để vui với niềm vui của từng đứa em đang ngày một lớn. Chúng sẽ kết hôn, sinh con. Cô sẽ coi các con của chúng như con cái của chính mình.

Anh Thành ơi, rồi em sẽ già đi và chết ở bến đò này. Nhưng tình yêu dành cho anh luôn nồng nàn, tươi trẻ. Xin anh đừng gọi đò qua sông lần nữa, anh nhé. Vì em sợ em chưa quên được anh…