Sao ông không gọi cửa, Kim?”.
“Định hù bà chơi!”.
Nàng nở nụ cười móm mém khi kéo cánh cửa rào tre. ánh nắng chiều tháng Năm vàng rộm, phủ lên căn nhà lá nhỏ và những đám hoa dại trước sân. Từ phía sông Hàm Luông vẳng vào tiếng sóng vỗ bờ róc rách.
Lê đôi chân mỏi nhừ vì lội bộ đường xa, tôi bước vào nhà nàng. Nàng đi phía trước tôi, bé nhỏ trong lớp áo nâu sồng, dáng vẻ nhẫn nhục và cam chịu cho số phận. Nàng bảo tôi hãy ngồi nghỉ nơi chiếc giường cau và nói rằng nàng sẽ ra vườn để hái bù ngót về nấu canh, món ăn ưa thích của tôi từ thuở xa xưa. Tôi cảm động đến ứa nước mắt. Thì ra, mãi mãi nàng chẳng bao giờ quên tôi.
“Tôi cùng đi với bà”.
“Thôi” – Nàng với tay lấy cái rổ nơi vách – “Mới từ Sài Gòn về, ông hãy nghỉ cho khỏe”.
Nói vậy nhưng nàng cũng không ngăn cản khi tôi cất bước theo nàng. Không gian của buổi hoàng hôn nơi miền quê thật êm đềm với những làn gió nồm và tiếng chim non ríu rít.

53ae08b36befa63ce4408e48db418732fae1585e
Nét già nua đã hằn sâu lên dáng vẻ của nàng nhưng mãi mãi trong tiềm thức tôi, nàng vẫn là cô thôn nữ của lòng tôi độ bốn mươi năm về trước. Cô thôn nữ có cái nhăn mũi rất dễ thương mỗi khi nàng giận dỗi ai điều gì đã làm xiêu lòng biết bao trai làng.
“Vẫn vậy chứ?” – Tôi hỏi.
“ờ. Còn ông?”.
“Khỏe như trâu. Chồng bà có trở về đây thăm bà lần nào không?”.
Nàng thở dài:
“Không. Có lẽ như thế tốt hơn. Số tôi là suốt đời phải cô đơn. Ông không nhớ hồi đó mình ưa chơi bói bài sao?”.
“Tin chuyện gì đâu không. Tôi bảo bà lên sống với tôi ở Sài Gòn cho có bạn mà bà cứ lắc đầu hoài. ở đây lỡ bà có ngã bệnh thì ai lo? Tôi đòi về đây sống bà cũng không chịu”.
“Mình lớn tuổi hết rồi”.
“Không gian lại rơi vào khoảnh khắc lặng im giữa chúng tôi. Hai bóng già âm thầm đi bên nhau, vòng vèo theo những luống bù ngót gần chân đồng. Điều đó gần như là qui ước ngầm của hai người. Gặp nhau chỉ để nói vài câu vu vơ, thế thôi, nhưng tôi biết tâm hồn tôi vĩnh viễn không bao giờ đánh mất hình bóng nàng. Chỉ tại chiến tranh đã đẩy tôi cách xa nàng đằng đẵng ba mươi năm.
Giọng con vạc sành kêu khắc khoải nơi vách lá khi chúng tôi trở vào nhà. Nàng lúi húi nhóm lửa, còn tôi thì phụ lặt rau. ánh sáng nhập nhoạng soi rõ những nét hằn sâu trên mặt nàng. Nghe mùi khói bếp, tôi chợt thấy lòng mình ấm lại và hạnh phúc hơn bao giờ hết, nhất là có những phút giây quý hiếm được sống bên cạnh nàng.
“Bà theo đạo hồi nào vậy ta?”.
“Đâu có theo. Tại thích bộ đồ này thì mặc. Hình như nó cũng giúp tôi xua đi những ray rứt của lương tâm. Ông còn ở trong lính không?”.
“Hưu rồi. Bạn bè chiến đấu cũ giờ chỉ còn vài người. Được cấp một căn hộ nhỏ ở Thanh Đa, một thân một mình thui thủi. Buồn lắm nhưng cũng quen. Tôi đếm từng ngày, từng tháng để mong đến ngày về gặp bà”.
Nàng nói lảng sang chuyện khác mỗi khi tôi bóng gió thốt nên ý đó:
“Ông về hưu với cấp bậc gì vậy?”.
“Đại tá già”.
“Hồi mới tiếp quản ông là gì ta?”.
“Thiếu tá”.
“Lúc đó ông dữ dằn chứ đâu hiền từ được như bây giờ. Ông khiến tôi phải khiếp vía chứ đừng nói chi đến một sĩ quan ngụy như ông Tân”.
Tôi cười giả lả:
“Tại chồng bà nhát chứ có ai giết chóc gì ai đâu”.