Rồi Dũng cười: “Em khi nào cũng đúng”. Có khi tôi than thở: “Phải chi anh dọn nhà đi nơi khác, xa hơn như ở trên Thành chẳng hạn. Để mỗi ngày mình có cớ tìm nhau”. Dũng lại cười: “Ờ há!” Rồi anh choàng tay ôm nhẹ tôi vào lòng, vòng tay anh cứng giống như một chiếc “cùm”, chẳng hề cho tôi có thì giờ vùng vẫy. Dũng thường thích vuốt tóc tôi, anh khen mái tóc của tôi đẹp nhất thế gian này. Sau khi vùi đầu vào trong mái tóc tôi, anh nói: “Em lại gội dầu Sunsilk bồ kết rồi, tại sao em không gội dầu Clear bạc hà?”, tôi trả lời: “Clear bạc hà tới 24 ngàn đồng một chai, mắc lắm”. Hôm sau, Dũng đem tới tặng tôi một chai Clear bạc hà

Thực ra thì lúc đầu tôi hoàn toàn không chú ý đến Dũng. Tôi chỉ coi Dũng như một người bạn thân của mình, để khi buồn bắt Dũng ngồi đó mà lắng nghe tôi ai oán, để khi vui thì tôi lại kể cho Dũng nghe mọi chuyện trên đời. Dũng có một chiếc xe Dream cũ, theo cách nói của Dũng là loại xe “không được bán”, vì đó là xe của ba Dũng. Lúc lười ra chợ Đầm mua hàng, tôi nhờ Dũng chở đi. Lúc thèm ăn bánh canh, tôi lại nhờ Dũng chở đi. Bà bán bánh canh ngồi lọt thỏm ở đường Đồng Nai, nơi chợ Phước Hải huyên náo thích cặp đôi tôi với Dũng: “Hay là hai đứa yêu nhau đi, con Thanh hiền lành, giỏi giang, thằng Dũng thật thà”. Tôi trề môi: “Em chẳng bao giờ thích yêu bộ đội”. Còn Dũng thì lại đãng trí, cầm lọ tương ớt trút tràn vào trong tô: “Thanh nó có bồ rồi chị ạ!”.

24face24781f83.img

Bồ của tôi, Hân, lớn hơn tôi đến 20 tuổi. Hân là Việt kiều ở bên Nhật. Tôi thì chưa hình dung được cuộc sống của Hân như thế nào ở nơi xa đó. Nước Nhật với những cô gái mặc Kimônô, những ngôi nhà không có bàn ghế, mọi người cứ ngồi theo kiểu Nhật mà nói chuyện. Cái tuổi 20 cách biệt giữa tôi và Hân đã biến tôi thành một đứa trẻ con bên anh. Tôi tin cậy Hân và luôn nghĩ đến một ngày tôi và Hân sau khi kết hôn xong, qua Nhật, tôi sẽ đến bằng được dưới chân núi Phú Sĩ để nhìn tuyết phủ, tôi sẽ đi dưới những cây hoa anh đào nở hồng. Quả thật đó là một tương lai đẹp.

Từ Tuy Hòa, tôi rời ngôi nhà nép mình bên dòng sông Ngân Sơn vào Nha Trang sống với chị Hai tôi. Chị Hai lấy chồng là một họa sĩ nghèo, cuộc sống khá vất vả. Mỗi ngày chị Hai bươn chải với gánh bún bò chạy chợ, còn anh hai thì đi vẽ panô hôm được, hôm không. Căn nhà nhỏ nằm hun hút trong hẻm sâu ấy là viễn cảnh một gia đình tương lai khiến cho tôi, một cô bé mới 19 tuổi đầu cảm thấy ngại ngần. Việc học dở dang, tôi đi học nghề hớt tóc. Khi đó nghề hớt tóc ở đây khá thịnh, và có khá nhiều tiệm mở đông khách. Khi còn là thợ ở một tiệm trên đường Y, tôi đã gặp Hân.

Tôi không phải là một đứa con gái đẹp, tôi rất hiểu điều đó sau biết bao nhiêu lần đứng trước gương. Tôi chưa hề yêu ai và cũng chưa kịp yêu ai khi Hân xuất hiện. Hân dịu dàng đón tôi sau khi hết công việc, mời tôi đi uống nước. Sau nhiều lần ngồi cùng nghe những ca sĩ thời danh thì thầm những bài tình ca trên căn gác lửng của quán cà phê máy lạnh, những chiếc ghế bành đan mây lót, những tấm nệm bông gòn mềm, Hân nắm tay tôi, rồi thầm thì giống như một ca sĩ đang hát: “Anh xin cưới em làm vợ được không?” Trời ơi, chưa có một lời tỏ tình, chẳng có một bông hồng. Tôi không trả lời Hân, nhưng lòng tôi sao lại xốn xang với bàn tay nắm và lời nói kia.

Tôi và Hân thường đi chơi. Dũng biết. Khi đó thì tôi đã mở một quán riêng bằng tiền dành dụm và tiền vay mượn. Tôi kinh hãi khi khám phá ra rằng Hân còn một người vợ ở bên Nhật đang đợi ngày ra tòa ly dị với Hân. Tôi khám phá sự ngăn cách của tuổi tác, cách sống và ngay cả sự ngộ nhận của tình yêu. Không có đám cưới nào sau ba chuyến về của Hân, không có chuyến đi nào và cũng chẳng có cuộc chia tay nào. Tôi không nhận lời đi với Hân. Hân lại đuổi theo hình bóng khác với cái mã Việt kiều của mình, rồi hết.

Vậy mà tôi và Dũng sắp lấy nhau. 207 hoặc 212 bước chân ngắn dài của hai đứa trước kia là khoảng cách, chắc chắn giờ đây không còn bước chân nào. Không còn bước chân nào vào hôm Dũng nói với tôi về nhà anh ăn một bữa cơm gia đình. Ba mẹ Dũng đã già, tóc hai người bạc trắng, hàng ngày chăm sóc những cây cảnh trước nhà. Ba Dũng nói với tôi: “Hai bác cả đời cống hiến cho Nhà nước, về hưu cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu. Biết thằng Dũng yêu thương con, hai bác mừng lắm. Hai đứa cố liệu mà bàn tổ chức đám cưới. Miễn sống với nhau yêu thương nhau hết lòng là được”.

Dũng làm bảo vệ ở trường không quân. Bạn bè gọi một từ rất gọn: “Bộ đội không quần”. Trong mẫu số chung của sự cân – đong – đo – đếm của cuộc sống này, Dũng chìm khuất bởi vì anh chỉ là một anh lính bình thường. Dũng chìm khuất vì anh không phải là một người nổi tiếng, lại là con một trong gia đình nghèo thanh bạch. Có lần cùng bạn bè đi xem bói tôi được thầy bói bắt ký chữ ký, bắt cười, bắt đi, bắt xòe đôi bàn tay ra để rồi ông nói: “Số cô không khổ đâu. Cô sẽ lấy một người chồng lớn tuổi hơn mình nhiều, lại là một người nổi tiếng và giàu có”. Mẫu người đàn ông ông thầy bói “tặng” cho tôi sau khi ông nhận tiền đặt quẻ là một tờ giấy bạc 50.000 đồng có lẽ nằm ở trong giấc mơ tôi, còn Dũng thì đang ở trước mặt.