Ngôi nhà cũ, giữa phố cũ, hẹp và dài như cái ống, suốt tầng trệt bị hai tầng gác trên che phủ, càng vào sâu càng ẩm thấp, tối tăm. Phòng ông Tụ ở đáy cái ống dài thượt đó, đúng hơn là cái đáy hang, may còn có khuôn cửa sổ nhìn ra mảnh sân con trổ một ô vuông nhỏ xíu thông lên trời. Góc sân có một vòi nước dùng chung cho cả số nhà. Bất kỳ lúc nào có nước là người trong các phòng túa ra, tiếng xô chậu va đập ầm ĩ, cả mặt sân ướt dượt, mép sân trơn nhầy nhụa vì những đám rêu xanh.

Chỉ những lúc vòi nước cạn khô Tụ mới có thể ra sân khua khoắng tay chân, vặn mình, hít thở và ngửa mặt lên nhìn cái ô trời thăm thẳm tít trên cao. Nhưng phút thư giãn cũng không được lâu. Bà hàng xóm có khuôn cửa sổ nhòm ra sân, phía đối diện với phòng Tụ, là một mẹ sồn sồn, cực kỳ lắm điều, hiếu sự. Cứ bỗng dưng bà ta ầm ĩ toàn chuyện không đâu, cái giọng khàn đục của bà ta gầm gào tru tréo lên. Đến lúc hụt hơi thì bà ta dừng lại thở, rồi lại tiếp tục màn độc diễn. Tụ đành phải trốn ra phố.

Khu phố cũ đã trút bỏ vẻ nhếch nhác, quạnh hiu, trở thành khu buôn bán sầm uất. Con phố nhà ông Tụ lại là trục của mấy phố ngang, các cửa hiệu đua nhau gương kính sáng choang, hàng hóa bầy la liệt. Lòng đường rối mù xe cộ. Trên vỉa hè, các quầy vé số và đủ loại hàng rong bầy bán quẩn quanh. Tụ đi bộ dọc theo hè phố, không mua bán gì, chỉ nhìn ngắm cảnh chen chúc tất bật, cố giữ sự tĩnh lặng trong lòng và thì giờ cứ ngược chiều với Tụ. Gã ăn mặc đúng cách, dáng điệu trịnh trọng, cứ chiềng ra khuôn mặt phẳng lỳ, nhợt nhạt, chịu không thể đoán được tuổi, không biết là trẻ hay già và đôi mắt gã, cái nhìn của gã có cái gì lạ lắm, cái đó chắc chắn có tên, chỉ có điều Tụ chưa gọi ra được. Gã không chịu lẫn trong dòng người đông đúc, thỉnh thoảng lại dừng bước, vẻ như để cho thiên hạ nhìn ngắm mình. Nhưng thiên hạ đều bận rộn, chẳng có ai nhìn ngắm gã. Gã nổi bất bình, bỗng dưng trợn mắt quát mấy bà hàng rong. “Đây là chỗ để cho các người ngồi giãi thẻ ra bầy hàng hả? Còn gì là trật tự văn minh hử? Dẹp! Dẹp ngay!”. Mấy bà già vờ xê dịch cái mẹt hành; mấy bà trẻ tảng lờ coi như không nghe thấy, cũng có cô bé con cuống quýt quẩy gánh hàng ù té chạy. Nhưng cũng chỉ là chạy vờ thôi. Đến công an, cảnh sát quản lý thị trường còn chẳng ăn ai nữa là gã. Tuy nhiên gã cũng chỉ quát cho oai thế thôi và gã vừa đi vừa tự thưởng thức cái uy của mình đầy vẻ trịnh trọ

10382744_891202610894577_4221234195713602431_n

Gã đàn ông thường đi qua trước mặt Tụ ở một chỗ nhất định. Chỗ có cây cột điện, lưng chừng cây chen tấm biển quảng cáo: “Nạp ga bật lửa” có mũi tên chỉ vào trong; tấm biển đã tróc sơn còn phía trong bây giờ đã là quầy bán kính bút. Gã nghênh nghênh cái bản mặt phẳng lỳ nhìn tấm biển. Về sau, gã vẫn cứ nghênh nghênh mặt như thế nhưng đột nhiên gã giơ cánh tay lên, phát một cử chỉ không rõ rệt hướng về phía Tụ. Tụ vẫn thản nhiên đi, nào biết gã là ai, cái cử chỉ mơ hồ của gã có nghĩa gì? Lần sau nữa, khi đến gần cây cột điện có treo tấm biển “Nạp ga bật lửa” gã bước chậm lại và tiến thẳng đến trước mặt Tụ:
– Chào ông già!
– Vâng, chào anh!
– Ông già rỗi rãi nhỉ, chiều nào cũng bát phố. Nhưng đi một mình thế, nhạt phèo. Tôi sẽ cùng đi với ông già…
Gã đàn ông song hành với Tụ, không cần biết thái độ Tụ ra sao và hơn thế gã còn ra vẻ như hạ cố để trò chuyện với Tụ. “Này ông già, ông già hết thời rồi, chắc chắn ông không biết được những chuyện này đâu, để tôi nói cho mà nghe…”. Gã nói rì rầm về những thay đổi nhân sự, ai xuống ai lên, sắp xảy ra trong bộ máy thành phố và cái đường hướng sẽ xoay chuyển ra sao, tùy thuộc vào nhân vật nào… Đột nhiên gã nhoi lên Tụ một bước chân, ghìm Tụ lại, chờ đám đông người đi phố tới gần liền tuyên bố dõng dạc:

– Hãy tin tôi đi, tôi quen biết các ông lớn ở trong thành phố này. Chốn thâm nghiêm nào tôi cũng vào lọt. Các ông lớn đều coi tôi như người nhà, có vị lúc hứng lên còn cởi mở nỗi lòng với tôi. Nhưng nói chung các vị ấy đều bận. Cũng chẳng sao. Đã có phu nhân của các vị ấy. Nói chuyện với các vị phu nhân, nhiều khi được việc lắm. Lại còn các thư ký hay là trợ lý gì gì đó, đường đi lối lại của mình được thông suốt chính là nhờ họ. Mình phải kết thân với họ… Nói tóm tắt khi mình được tiếng có quen biết các ông lớn thì các ông nhỏ tự nhiên phải nể sợ mình. Hàng ngày mình đi đâu, đụng chạm cũng có người nể sợ mình, đã sướng chưa! – Gã đàn ông nghênh mặt lên, cười mơ hồ rồi bỗng quay sang Tụ – Này ông già, ông hiểu tôi muốn nói gì chứ?
Tụ im lặng.
Ông thật không hiểu hay là vờ không hiểu? Gã nắm tay áo Tụ, khẽ lắc lắc – Thôi tôi cứ nói huỵch toẹt thế này. Ông có mong muốn điều gì không? Giả dụ, cái bà hàng xóm lắm điều của ông, bà ta cứ quang quác suốt ngày làm ông phải trốn ra phố. Nếu ông muốn, tôi sẽ có cách giúp ông buộc bà ta phải im mồm hoặc bà ta phải biến đi.
Tụ thủng thẳng:
– ồ, sao lại thế? Không thể đối xử với nhau như thế được!
– Vậy thì tùy ông, tôi sẽ không tranh cãi với ông – gã lắc đầu, vẻ ngán ngẩm – Nhưng dù sao tôi cũng thích được làm quen với ông. Ta hãy cứ đi tiếp, câu chuyện của tôi còn dài… Ông thấy đấy, tôi chẳng là cái gì cả nhưng thiên hạ vẫn cứ phải coi tôi là một cái gì. Tuyệt cú mèo, phải không ông già? Có một thằng cha tổng giám đốc, tôi ngẫu nhiên gặp hắn vài lần ở nhà một ông lớn. Thằng cha đang bê bối chuyện gì đó, mặt mũi bơ phờ. Hắn cần có người ủng hộ hắn, vớ được tôi hắn liền túm chặt. Tôi chỉ đóng vai ầm ừ thôi chứ thực ra tôi chẳng là gì cho hắn. Mà dù tôi có muốn làm cũng không làm được. Nhưng nhờ có kênh thông tin riêng, tôi biết hắn sẽ thoát nạn, liền báo trước cho hắn. Lẽ tự nhiên khi mặt mũi hắn đã hớn hở trở lại, hắn phải nhớ đến tôi, coi tôi như cánh hữu. Cái tổng công ty của thằng cha ấy khá lớn, xuất nhập khẩu đủ cả, lại có liên doanh với nước ngoài, tiền của của Nhà nước rót vào nhiều như nước… Nhưng thôi, ta hãy đi quá lên đầu phố, tôi sẽ chỉ cho ông xem cái này…