Ngoại tôi bỏ nét mặt hầm hứ một thoáng. Bà hé cười: ”À, ba bầy trẻ về rồi à!”. Xong, bà trở lại trạng thái trầm tư, lạnh lùng. Bà lãng ra nhà sau, tiếp tục công việc hằng ngày.

Mẹ tôi làm ra vẻ xa lạ nhất. Mẹ còn giận ba. Ông đã bỏ bà để theo vợ bé. Bây giờ bỗng dưng ông trở lại, làm sao mẹ chẳng buồn, chẳng giận. Bà dọn hàng ra chợ sớm hơn và ở đến tối mịt mới quay về. Không kịp ăn cơm, uống nước, bà chui vội vào mùng, nằm… khóc.

Có lẽ tôi mới là người mừng nhất nhà. Tôi quẩn quanh bên ba, hỏi han đủ chuyện. Tôi rót trà, dọn cơm, tất tả chạy ra sau vườn, tót lên cây mận hái một chùm quả ngon nhất, đem vào nhà cho ba tráng miệng. Nhưng ba chỉ thoáng nhìn rồi lạnh lùng bảo: ”Không ăn”. Tôi hơi choáng người nhưng vội tự an ủi mình là ba buồn, ba thẹn. Mọi người quanh ba đang rất gần mà cũng rất xa. Lớp băng đóng trong tim mẹ đâu dễ gì tan ra nhanh chóng. Nó đã làm tê đi cảm xúc yêu thương, làm nhói buốt hơi thở và đau xót dai dẳng. Không chừng sẽ kéo dài mãi. Nghĩ thế, tôi cảm thấy yên tâm.

Cũng con đường cũ, hôm nay, hình như khác lạ. Bầu trời cao vời vợi, mênh mông. Hàng cây hai bên lối đi nghiêm trang ve vẩy nhánh lá như đón chào tôi. Không có chiếc lá bàng nào vàng úa, rơi rụng. Tôi nhón gót, chạm nhẹ vào chiếc đọt non tươi, mơn mởn rồi thì thầm: ”Bàng ơi, ba mình về rồi, mừng không?” Im lặng. Tôi gật đầu với nó: ”Ừ, mình hiểu. Các bạn mừng chứ gì. Thôi chào nhé. Mình phải đến trường đây!”

hoasua2

Vừa tới lớp, tôi reo toáng lên: ”Các bạn ơi, ba mình về rồi!”. Mấy cái miệng đang nhai bánh ngừng bặt, há hốc. Vài cái đầu lú lên từ dưới gầm bàn, tay quơ chổi, trợn mắt, thét lên một câu chẳng ăn nhập gì: ”Khôn hả, tới trực nhật, không quét lớp hả? Tụi nầy sẽ méc cô chủ nhiệm!”. Tôi vui vẻ giành lấy cây chổi, vừa quơ bên này một cái, vừa quơ bên kia một nhát vừa kể lể: ”Các bạn nè, ba mình về rồi, ba mình… mới ăn cơm xong”. Có tiếng cười khúc khích: ”Có xỉa răng không vậy?”. Tôi cũng cười: ”Tất nhiên là có rồi, các bạn có mừng không?”. Mấy cặp mắt nháy nhau: ”Mừng chớ sao không”. Chợt thấy Lan ngồi im, tôi hỏi: ”Mày sao vậy Lan?” Lan lắc đầu: ”Đâu có gì. Bác về luôn hay lại đi?”.

Đứa bạn thân nhất đã cướp mất niềm vui mong manh của tôi bằng câu hỏi đầy thực tế. Tôi lặng người, hụt hẫng. Làm sao biết được? Chuyện người lớn. Ở hay đi? Chỉ có mẹ và ba mới rõ. Liệu mẹ có rộng lòng bao dung, tha thứ cho ba và có ai dám chắc ba thực sự muốn về với gia đình. Biết mình hớ, Lan giả lả: ”Chắc là bà vợ bé bỏ ba mầy rồi. Thế nào ông cũng ở luôn”.

Có cái gì nghèn nghẹn dâng lên ở cổ. Tôi phải dùng hết sức để nuốt nó xuống, giữ lại trong lòng. Nhưng tôi bất lực, đành phải thét lên uất ức: ”Ba tao bỏ bà vợ bé thì có” rồi òa khóc. Suốt buổi học, tôi chẳng tiếp thu được gì. Tôi chờ tiếng trống tan trường để về nhà. Nơi đó, có thể ba đang ngồi trầm ngâm bên cửa sổ, lơ đểnh ngắm bóng mây trôi. Hoặc ông đã đi rồi. Mọi vật sẽ vẫn bình thường, trừ con người. Mỗi người bấy giờ mang một nỗi chua xót, day dứt khó nguôi. Rồi phải mất một thời gian dài, ít nhất cũng bằng lần ra đi trước của ba đến bây giờ.

Ngày ấy, tôi còn bé lắm. Dù vậy, tôi vẫn nhớ như in chuyện cũ. Có lẽ, tôi là “vai chính” của sự đổ vỡ ấy. Theo ba, tôi là một đứa “con hoang”. Ông lấy lý do hết sức đơn giản là tôi chẳng giống ông tí nào. Khuôn mặt ba chữ điền thế kia, còn tôi, thoáng nhìn cũng nhận ra một hình tam giác. Đôi mắt ba lồ lộ, lá răm. Mắt tôi lại tròn xoe như hột nhãn, đã vậy còn ngơ ngác. Ba bảo điều nầy chứng tỏ tôi ngốc nghếch, đần độn. Ba quan niệm rằng chỉ cần nhìn màu da cũng rõ thật hư. Ba trắng như cục bột, còn tôi sao ngăm ngăm.