Cử chỉ của anh ta khiến ai nấy đều không khỏi ngạc nhiên. Họ không thể hình dung một kẻ phạm tội lại tỏ thái độ cảm ơn chân thành như thế đối với người đang ngồi ghế xét xử mình.

Cách hành xử của bị cáo khiến tôi nhớ lại tiến trình của vụ việc:

Đầu năm 2006, khi chúng tôi tiếp nhận một vụ án mà đầu mối nghi ngờ có liên quan đến việc nhận hối lộ của tên họ Lô – Trưởng phòng dụng cụ chuyên môn công ty thuốc đông y. Sau một tuần căng thẳng thu thập thông tin điều tra, tình tiết phạm tội của đối tượng dần dần hé lộ.

Tuy nhiên, công tác lấy lời khai của đối tượng lại không được thuận lợi.

Trong phòng hỏi cung, tên họ Lô kiên quyết không hé răng dù chỉ nửa lời. Tình trạng bế tắc kéo dài. Cho đến tàn đêm, kết quả cuộc thẩm vấn vẫn bằng 0. Nghi phạm dường như không còn đủ sức trụ vững trên chiếc ghế hỏi cung nữa.

Cuối cùng thì nghi phạm cũng tỏ ra sốt ruột. Hắn liên tục liếc nhìn chiếc đồng hồ trên cổ tay. Trong khi tôi đang phấp phỏng hy vọng “đuôi cáo sắp lòi ra” thì bất ngờ nghi phạm lên tiếng:

– Cán bộ có thể làm ơn cho tôi xin cuộc điện thoại cho vợ không? Cô ấy đang mắc bệnh nặng, ngày nào tôi cũng phải cho cô ấy uống thuốc rồi mới đi làm.

Lời cầu xin khẩn thiết của đối tượng khiến tôi phải đặt một dấu hỏi về tình yêu mà kẻ phạm tội dành cho vợ? Phải chăng là rất sâu đậm? Và đây liệu có được gọi là “bước ngoặt của vụ án?”.

Tôi quyết định cùng một nữ kiểm sát viên lái xe đến nhà đối tượng…

Vừa bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người phụ nữ gầy guộc, xanh xao, khuôn mặt hốc hác lộ cả những đường gân xanh. Nghẹn ngào trong tiếng nấc, người phụ nữ trần tình với chúng tôi: Căn bệnh tiểu đường mấy năm nay gần như đã bào mòn sức lực của chị ta. Ngặt nỗi kinh tế gia đình khó khăn nên không biết có thể duy trì việc chữa trị được bao lâu.

Có lẽ nhận thấy chúng tôi ít nhiều đồng cảm với hoàn cảnh của mình nên trước khi ra về, người vợ đã tin tưởng nhờ đưa giúp chồng chị ta bức thư. Trên phong bì, chị ta còn nhẹ nhàng đặt lên đó ba nụ son môi màu hồng đậm mà chị ta vừa tô vội trong phòng ngủ của mình. Đúng là một người đàn bà không kém phần lãng mạn.

Ngày thứ hai, vẫn với bộ dạng cúi gằm mặt, lầm lì không nói, nghi phạm họ Lô ngồi trong phòng thẩm vấn như cái xác vô hồn. Tôi từ từ tiến lại, cẩn thận đặt lá thư lên bàn rồi đẩy nhẹ về phía hắn ta. Trông thấy lá thư, nghi phạm giật mình, hai mắt sáng quắc như đèn pin.

Thì ra, suốt thời đại học, vợ hắn vẫn gửi cho hắn những lá thư nồng nàn say đắm có đánh dấu những vết son như thế.

Hắn vội vàng mở bức thư, đọc ngấu nghiến. Rồi hắn bần thần dừng lại ở một dòng gần cuối: “Hãy tin em, em nhất định sẽ đợi ngày anh trở về, tất cả mọi thứ đều có thể làm lại từ đầu”. Rốt cuộc thì sự ngoan cố của tên tội phạm cũng phải tan chảy trước những lời khuyên nhủ chân thành từ con tim của người vợ…

Trong khi đầu óc tôi đang miên man những hồi tưởng về tên tội phạm thì đột nhiên có tiếng gõ búa và tiếng chủ tọa phiên tòa cất lên rành rọt: “Xét thái độ thành khẩn của bị cáo, tòa tuyên phạt mức án thấp nhất là 5 năm tù giam”.

Bước ra khỏi phòng tuyên án, tên tội phạm họ Lô đưa mắt nhìn quanh, tìm kiếm…Và rồi ánh mắt của hắn dừng lại ở một góc nọ, nơi có người phụ nữ đang nhìn hắn, nước mắt lưng tròng. Đó không phải ai khác mà chính là người vợ hiền đang lâm bệnh hiểm nghèo của hắn. Nhìn cảnh ngộ ấy, tôi càng thấm thía một đúc kết: Con người sinh ra vốn bản chất lương thiện. Chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy mà họ sa chân vào bờ vực tội lỗi…