Ta đã vẽ gì, tại sao ta vẽ những hình ảnh ấy? Người lớn có hiểu nó không? Không biết nữa.

2- Nên giờ đi tìm lại ký ức tuổi thơ qua nét vẽ, đành phải đứng xem trẻ con vẽ. Nó vẽ gì trên cát với những vạch kỷ hà, nó vẽ gì trên giấy với những vòng tròn mà khi ta hình dung là cái này cái nọ, nó giải thích khiến ta sai bét “Con không có vẽ cái đó mà!”.

Các bậc thầy của trí tưởng tượng đứng cao chưa đến thắt lưng mình đang vẽ cho ta những điều ta không thể thấy hay đúng hơn, ta không thấy giống chúng, như chúng. Trong cái nhìn của trẻ thơ về sự vật, người lớn luôn sai.

3- Sao con cá lại có cánh như con chim nhỉ? Sao con bò lại ăn cỏ màu hồng, sao chiếc bàn luôn xoạc chân ra bốn phía? Sao màu ấy lại có thể đi cùng với màu tối kỵ nhau như thế? Bảng màu của trẻ con luôn khác hẳn cái bảng màu nóng lạnh, trung tính mà khi lớn lên đi học, ta được buộc phải thuộc nó.

Hình như ta vẫn sai.

Trẻ con vẫn đúng.

4- Con cá nhỏ hình dung thế giới của nó có mây bay và những nóc nhà. Con ngựa trắng lại bơi dưới nước… Thế giới của trẻ con phi logic đến kỳ lạ. Phải chăng trẻ thơ là những kẻ được giao cho sứ mệnh cười cợt hồn nhiên vào đôi mắt tội nghiệp của người lớn khi chúng cầm cọ vẽ? Có thể lắm.

5- Thuở nhỏ ta vẽ gì, tại sao ta vẽ thế? Ta từng là trẻ con, khi thành người lớn ta lại phải khổ sở tập vẽ lại những gì ta từng làm kinh ngạc những người lớn quanh ta mà không bao giờ ta còn vẽ lại được nữa.

Không còn tuổi thơ.

Người lớn sai bét hết về màu sắc và trí tưởng tượng.

Tranh của Khánh An (4 tuổi)
6- Dưới đáy đại dương sâu thẳm. Những rặng san hô đủ màu, những con cá đủ màu. Không màu nào giống màu nào. Nó loang lên những con cá, những nhánh san hô, thủy quỳ…

Từ đấy những con cá thành ra thần thoại của đại dương.

Ta chỉ còn có thể hình dung một thượng đế 3 tuổi nghịch đổ những tuýp màu từ thiên đường xuống biển.

Khó hình dung khác được một thượng đế râu ria, là người lớn.

7- Trong ký ức của một người đã lớn.

Những bức họa tuổi thơ nguệch ngoạc mất hẳn.

Một ngày nọ, trước thềm nhà.

Hắn ngồi khóc.