Reng… Reng… Mắt nhắm mắt mở, tôi vớ vội chiếc điện thoại di động và nhận ra số của đứa em gái gọi từ bên nhà. Dở hơi, vẫn không nhớ chị mày đang ở xa nửa vòng trái đất! Vừa rủa thầm, tôi vừa ấn nút nhận cuộc gọi. Đầu máy bên kia là một giọng hớn hở: “Khi nào chị về, mình sẽ họp gia đình…”. Liếc qua đồng hồ báo thức, tôi thấy kim ngắn mới chỉ số ba. Gần hai tiếng nữa chuông mới réo gọi dậy đi làm, buổi cuối cùng ở quán cà phê sinh viên. Ba mươi bảy giờ nữa thôi là lên máy bay về nước rồi. Biết kể gì đây? Hai năm xa cách là hai năm mất mát và trống vắng. Bức tường trước mặt tôi cứ dần nhạt nhòa, song quãng đời mới qua thì hiện lên rõ mồn một…

Tôi vẫn nhớ cú sốc đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất này vào một chiều đầu đông: tiếng những chiếc hia bảy dặm gõ nhịp khô đều trên vỉa hè như kêu rằng chủ nhân chúng đang vội vã, lo toan. Cái tất bật, hối hả ấy làm tôi liên tưởng đến cảnh đổ xô đi xếp hàng mua gạo hay lấy nước ở vòi công cộng xa nhà tới cả cây số. Ngày xưa ấy đã dạy tôi thứ văn hóa chờ đợi, cho tôi lòng kiên nhẫn, kiên nhẫn một cách lạ lùng, theo cách nói của bạn bè nơi đây.

Tôi vẫn nhớ một đám đông ô hợp xếp hàng dằng dặc trước Văn phòng tỉnh để lấy hẹn làm thẻ lưu trú. Đến phố R. lúc tám giờ sáng, tôi thấy đám người đứng trên vỉa hè run rẩy, vì lạnh cóng và có lẽ cũng vì hồi hộp. Chúng tôi cứ thế chờ dài cổ trong gió rét mùa đông. Cứ khoảng hai mươi phút, hàng đôi lại nhích lên vài xen-ti-mét. Tôi tự hỏi mình sẽ làm gì nếu ở quê nhà vào giờ đó. Tôi có cả buổi sáng để mơ, vì giấc ngủ chớp nhoáng đêm trước đã chẳng vời được giấc mơ đến với tôi. 12 giờ rưỡi trưa, vài nhân viên rẽ đám đông đi ăn. Một phụ nữ trong số họ bảo đám người đứng cuối hàng hôm sau trở lại. Vài người rời đi mua bánh mì kẹp. Còn tôi, vì sợ mất chỗ nên đành nhịn đói và chấp nhận bỏ buổi học chiều. Thế rồi tôi cũng áp được mặt trước cánh cửa văn phòng, trên đó ghi rõ giờ làm việc: 9 giờ-15 giờ 30. Sau gần bảy tiếng chờ đợi, cuối cùng thì tôi cũng đặt được một chân vào chỗ ấm.

Tôi hài lòng, vì chẳng mấy chốc sẽ đến được bàn “Đăng ký hẹn”. Bỗng một phụ nữ tiến về phía chúng tôi, vẻ mặt lạnh lùng. Chắc gọi mình? Ai nấy tràn ngập hy vọng. “- Tới giờ đóng cửa rồi. Mời các anh chị quay lại đây ngày mai!”, giọng chị ta gai góc. Một vài tiếng la ó phản đối cất lên từ đám đông. Tôi thẫn thờ sống lại cảm giác bị tước đoạt của một thời đã xa: sau nhiều giờ xếp hàng trước cửa hàng lương thực, mắt nảy đom đóm khi va phải hàng chữ ngạo mạn “Hết gạo”.

Tôi vẫn nhớ một lần bị lục soát túi khi rời khỏi siêu thị. Người ta muốn kiểm tra cái túi trĩu nặng sách vở của tôi. Mình giống kẻ cắp vặt hay gã này bị quáng gà? Chả là tôi không mua được món tim lợn vừa rẻ vừa ngon, nên đành ôm bụng đói, cõng túi nặng, đeo mặt xị ra về qua lối dành cho người không mua hàng.

Tôi vẫn nhớ đã chạy như bị ma đuổi ra khỏi nhà một sáng sớm, vừa lao về phía bến đợi vừa ngoái cổ ngóng xe buýt. Nhưng thay vào đó là một chiếc xe cảnh sát! Tôi cứ tiếp tục chạy. “Con ma” vượt lên, từ từ giảm tốc độ rồi lùi lại. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì một anh cảnh sát tiến lại gần tôi hỏi : “- Cô có giấy tờ tùy thân không ?”. “- Tôi đang vội đón xe buýt đi làm”, vừa nói tôi vừa chìa ra tấm thẻ xe tháng. Anh cảnh sát cười máy móc: “- Cảm ơn cô. Chúc cô một ngày tốt đẹp”.

Tôi vẫn nhớ bát cơm chan nước mắt đầu tiên trên đất Pháp. Nước mắt làm trôi miếng cơm bị tắc nghẹn nơi cổ họng đang nấc lên hờn tủi. Một mình nơi phương trời xứ lạ, trong khi mọi thứ đều đắt hơn ở nhà tới hai mươi lần! Tôi đã phải hạn chế tối đa mọi chi tiêu: 5 kg gạo vỡ cho hai tháng rưỡi, một cây cải thảo cho mười ngày, và một quả trứng cho mỗi bữa ăn… Tôi bỗng nhớ cồn cào cái nghèo của thời bao cấp. Hồi ấy, năm người nhà tôi chia nhau một quả trứng tráng độn bột mì, cơm độn khoai. Trong nỗi cô đơn và trống vắng nơi đây, tôi muốn tìm kiếm hoài, tìm kiếm mãi nỗi nghèo khó đượm tình gia đình ấy. Về đâu rồi, Nghèo ơi?

Tôi vẫn nhớ có lần gặp vấn đề đường ruột mà chẳng thể đặt hẹn bác sĩ được. Cả ngày nằm run lập cập, tôi cứ miên man nghĩ đến cảnh ba mẹ con trong chiếc giường hẹp ấm tình. Thời ấy đã xa lắm rồi! Tôi vẫn nhớ một sáng đội mưa rét đứng đợi hàng tiếng đồng hồ trước Phòng quản lý Nhà ăn sinh viên để chờ xin việc.

Tôi vẫn nhớ đã bao lần nghe bài hát “Triết lý của tôi” phát trên đài vào khoảng 6 giờ sáng, khi đang quét dọn quán cà phê sinh viên. Bài hát đó đã cứu tôi, trở thành người bạn đồng hành của tôi; và giờ đây, tôi vẫn không khỏi xúc động mỗi lần nghe lại “Cứ hướng tới trăng kia, tôi sẽ không biết sợ. Dẫu thân này mệt mỏi, tôi vẫn trọn niềm tin. Tin vào ánh trăng kia, bằng cả trái tim mình. Dẫu có phải hy sinh, nếu cần tôi trả giá. Dẫu đoạn trường buốt giá, tôi vẫn ngẩng cao đầu”…

Tôi vẫn nhớ một lần đi làm muộn. Khi tới nơi, người phụ trách đã thay tôi làm gần xong. Hoảng hốt, tôi chẳng biết phải xin lỗi thế nào. Người ấy cười hiền: “Cũng có khi nhỡ mà!”.

Tôi vẫn nhớ đã gặp những người thày và những người bạn rất đỗi bao dung. Họ đã nâng đỡ tôi, giúp tôi hoàn thành khóa học và hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

Tiếng chuông báo thức bỗng kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ. Tôi nhảy vội khỏi giường, sửa soạn đi làm. Tôi muốn là người đến sớm nhất vào ngày cuối cùng. Những kỷ niệm nối đuôi theo tôi suốt chặng xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện. Tôi vẫn còn muốn nhớ về nước Pháp như một trường đời, một chuyến xe đưa tôi qua nhiều bến, một cánh diều chở nặng giấc mơ tuổi thơ tôi, một món ngon dậy lên cả đắng cay lẫn ngọt bùi, một miền đất dung thân của biết bao mảnh đời tha phương…