Ngay cạnh cửa sổ, vừa đúng tầm mắt để tôi và chị có thể nhìn lên. Bóng dáng hai người và ánh đèn ngủ hắt xuống vệ đường. Trong cơn say, cảm giác ôm ấp như mưa dội về nguồn. Vượt qua ghềnh thác, tung bọt trắng xóa, bắn trên không trung, dính trên lớp lá mỏng quanh bên đường.

Rượu và một lít vị mặn làm cho con người tuởng như giải tỏa được cơn khát thì chính lúc đó, nỗi khát khao bừng lên như chưa từng có. Đêm, Sài Gòn lúc nào cũng đẹp, ánh sáng đủ thấy dây tơ hồng quấn quanh gốc tigôn cùng với hàng rào xập xệ. Ven hẻm nhỏ vừa đủ chỗ cho hai người ngồi.
– Tắc kè, tắc kè…

Rượu và vị mặn của nước mắt không cùng chung công thức hóa học nhưng nó tác động với nhau khi cả hai “cố tình” đang trong trạng thái “tỉnh táo”. Buổi tối và tiếng tắc kè, đó là thứ âm thanh “nuốt vội cơm nguội”. Kênh giao thông đô thị HCM tần số 95.6, đang phát Đưa em sang sông. Hơn một khoảnh khoắc bị bỏ lỡ.

Hai người làm khác công ty nhưng cùng một giàn tigôn của dãy trọ cho nhân viên. Kẻ chủ mưu gây ra cuộc tình, đang trong thời cô đơn, muốn có một đứa con. Dưới giàn hoa tigôn rực sắc, anh và chị quen nhau khi cùng chung ánh mắt về nó. Những buổi tối khi xong công việc ở xưởng, chị nằm trên gác, mắt đưa qua khung cửa sổ. Chị bước xuống và hai người tìm kiếm âm thanh phát ra trên giàn hoa. Có những đêm, khi tắc kè thu mình một góc không kêu, chị khó ngủ. Ngay lúc đó, anh đứng dưới giàn hoa giấy.
– Tắc kè, tắc kè…

Yêu không khó nhưng để sống với tình yêu thì không dễ. Chị vẫn tin điều đó đúng. Ba năm, giàn hoa tigôn ra hoa biết bao nhiêu mùa, từng nụ hoa như những nụ hôn, cái nắm tay chị và anh dành cho nhau. Như vậy đã có kết quả chưa, mà kết quả ở đây là gì? Chẳng nhẽ là hôn nhân?

Mỗi khi chia tay gia đình để đi vào thành phố, khi ngoái lại sau lưng, hình dáng con người nhỏ dần và mất hút. Lúc đấy, tôi biết thế giới này quá lớn để ta nhìn mãi một điểm. Trừ khi ta bó buộc lại một chỗ và không nghĩ đến một địa điểm nào khác. Thế nhưng chuyện bó buộc đó ai muốn? Thay đổi không có gì xấu, chỉ có điều đôi lúc sự thay đổi làm quá sức chịu đựng của một con người vì nó không đúng lúc.

Một buổi sáng, giàn hoa tigôn được hạ xuống, chủ đầu tư khu đất đã cho xây dựng ngôi biệt thự. Tắc kè cũng đã tìm một nơi nào đó tốt hơn để đi, đám hoa hồng vừa trồng hay chùm thạch thảo vừa mới chớm nụ. Những cuộc hẹn của chị và anh cũng thưa dần. Ngôi biệt thự có một cô gái mặc váy, mỗi chiều tưới bụi hoa hồng trước ngõ.

Anh đã biến mất? Không, anh không phải biến mất mà chỉ là anh thay đổi. Anh mặc chiếc áo mới hơn, anh đổi phòng trọ ọp ẹp bằng ngôi nhà sang trọng. Anh đổi tiếng tắc kè mà anh từng gọi chị bằng tiếng nhạc chuông điện thoại: tắc kè, tắc kè… Nhưng giọng nói đó đâu phải của anh mà mỗi tối chị thường nghe.

Khi một ai đó ra đi, tất cả những gì còn lại chỉ là những hình ảnh mà người ta đã tạo ra trong cuộc sống của người khác hay đơn giản chỉ là vài thói quen, món đồ, nét chữ nghệch ngoạch nào đó được vứt ở tiệm phế liệu, chờ cho vào lò tái chế, tạo ra tập giấy tinh khôi. Rượu là chất gây ra nguyên nhân “lời thú tội”.

Khi hơi thở đã bay hết độ cồn, lúc mắt mở được to hơn thì chị lại nói: “Chị em mình say quá rồi. Dìu dắt nhau về nhà thôi. Tối mai mình đừng uống nữa, chị sẽ kể cho em nghe cuối cùng hoa tigôn héo úa được vứt đi xứ sở nào và con tắc kè đó, rồi nó đã về đâu?”.

Ta có cần nghe thêm về đoạn cuối câu chuyện? Cảm xúc là hữu hạn, chúng ta không thể tự lừa dối mình để đổi lấy thời gian đã trải qua. 3 năm hay nhiều hơn nữa, đó là quá khứ chứ không phải hiện tại. Khi không còn nữa, chúng ta không nên mỉa mai cái gọi là tình yêu.