Năm mươi cây số cho ba chục phút giữa hun hút rẫy rẫy và rẫy không khó, nhưng sẽ lớ quớ nếu tay lái chệch vào gốc cây đâu đó trong bóng tối chập choạng nhô ra. Nơi đó An đang đợi tôi.

Hồi chiều nghe điện thoại rung liên hồi trong túi, tôi đã ngần ngừ khi nhìn số lạ. Thói quen ruồng bỏ phố phường của tôi sắp đứt, tôi không muốn bị bất kỳ ai phá vỡ. Nhưng cái điện thoại kêu kỳ trận khiến tôi thua cuộc. Tôi bốc máy. Là An.

Giờ thì An đang đợi tôi ở xứ khỉ ho cò gáy. Thâm tâm tôi nửa muốn chạy thục mạng về để kịp với An. Dù chả biết sau đó sẽ làm gì. Nhưng cứ muốn nhìn thấy An. Cái khát khao được nhìn nụ cười hiền dịu đó như cơn nghiện bốc lên đầu khiến bàn tay cầm vô lăng ghì chặt rịn mồ hôi nhớp nhúa. Cung đường trước mặt nhấp nháy nụ cười, ánh mắt và cả giọng nói trong vắt lanh lảnh của An. Nửa kia như muốn tôi quay đầu lại, trốn vào đâu đó, chờ khi An xuôi phố hãy về.

Tôi nhìn thấy An trong vườn nhà ngoại. An mười bốn. Tuổi ngọt như viên kẹo An đem qua thả vào lòng tay tôi. An nói “bàn tay anh Thanh sao chai sần chai sùi vậy nè”. Tôi cười cười, “tay tôi tự bữa mẹ sinh ra đã vậy rồi mà An”. An tin đó là điều tôi nói thật. An xòe bàn tay mỏng mảnh trong suốt mười ngón non như tơ so với tay tôi. Rồi cười hồn nhiên như nắng đầu mùa. Bữa ấy An thích nghe tôi hát bản Nắng thủy tinh. Tôi nghĩ em là nắng.

Mười sáu tuổi. Một hôm An xuất hiện ngay chỗ tôi làm. Những vòng thép gai sót lại từ chiến tranh đang đổ đống rào quanh thị xã. Bất cứ chỗ nào có cỏ dại là có thể trở thành nơi trú ngụ của thép gai. Sáng kiến gom chúng về bán đồng nát của một anh lính sĩ quan chế độ cũ thất nghiệp trở thành công việc chính của mấy anh em xóm nghèo tụi tôi. Một buổi ngồi đồng ngoài quán cùng mấy vị chức sắc bé bé trong phường xong, tụi tôi phấn khởi bắt đầu sự nghiệp của mình. Những vòng thép gai gỡ quanh thị xã chất về ùn đống ở sân sau bỏ hoang của ủy ban. Bàn tay tôi lại được dịp gằn lên những vết xước chất chồng lên nhau, đôi khi đỏ tướp.

Buổi ấy An đi học về, ngang qua thấy tôi đang hì hục kéo dây, An không tin vào mắt mình. Cô sững lại, kêu to tên tôi giữa ba bên bốn bề những thằng trai lộc ngộc đánh trần bận quần cụt nhễ nhại mồ hôi. Tôi ngẩng lên, nắng chiều ánh từ phía sau ôm lấy gương mặt An và tỏa rạng quanh tóc một vầng sáng lung linh kỳ lạ. Tôi suýt ngạt thở trước An. Bỗng dưng tràng cười của mọi người rộ lên khiến tôi bực dọc. Quẳng đôi bao tay thô kệch xuống đất, tôi lầm lụi đi ra kéo tay An vào quán nước trước cổng. An ríu lại. “An chưa từng đi với ai vào quán nước cả”. “Vậy An ra tìm tôi làm gì?”. “Tại sao anh lại lừa dối An? Tại sao anh bảo anh còn đi học”. Tôi thở hắt, ngửa cổ tu ừng ực ly trà đá. “Anh xin lỗi An. Nhưng bây giờ anh không thể”. “Nhưng anh đã nói với An dù bất cứ gì anh cũng phải đi học mà”. Đó là lời tôi hứa đêm An mười bốn ở vườn nhà ngoại. Trong hai năm đó, An biết bao nhiêu sự đã xảy ra với nhà tôi không? Làm sao thằng anh cả là tôi có thể bình yên cắp sách đến trường khi mà mẹ tôi bệnh tình ngày một nặng thêm, và năm đứa em ngày càng khôn lớn. Chúng cũng cần được đến trường. Tôi thở dài. “Thôi An về đi, kẻo rồi ai đi ngang lại thấy”.

Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt trong veo An thả xuống chiều hôm ấy. Đó là buổi làm cuối cùng của tôi trong tổ hợp thép gai. Không kịp lĩnh tiền chia phần, sớm hôm sau, tôi xách ba lô nhảy lên chuyến xe đò đầu tiên của thị xã rời khỏi đó. Mười năm cắn lòng xục đôi bàn tay vốn chai sần vào đất. Đôi khi màu đất đỏ quyện lại dưới chân tôi trì níu đầy yêu thương nên mỗi bận ra bưu điện xã gửi tiền về cho mẹ, tôi như không còn ý định quay về. Cả nhà, chỉ duy nhất Zít biết tôi đang ở đâu. Những dòng thư ngắn ngủi với khúc chữ cong queo của nó đủ để tôi yên tâm đôi phần. Giờ, chỉ những lúc thật cần, nó báo cho tôi vài câu qua điện thoại. Mẹ đã quen với sự đi xa của tôi. Thảng hoặc tôi nói chuyện với bà, cố làm ra vẻ bình yên. Mà như bình yên thật.

Vậy mà chiều nay An lại lên đây. Vụ này tôi tin chắc Zít nhúng tay vào. Nhưng An một mình lên đây quả là điều không tưởng. Hình dung đôi bàn tay mỏng mảnh trong như nắng buổi chiều An áp vào tay tôi năm mười bốn tuổi vẫn y nguyên. Đôi chân trần dưới chiếc áo đầm màu trắng ngà trong như sương, làm sao An đủ sức vượt qua ngần ấy quãng đường.

Chiếc xe đỗ xịch xuống vệ đường xì ra luồng khói mệt mỏi. Tôi ngồi rịt lại trên chiếc ghế muốn bỏng thành than. Nhìn vào ngôi nhà tranh lúp xúp giờ chỉ còn là một dấu chấm buồn bã giữa muôn vàn đêm đen thâm kịt. Nếu An ở trong đó, chắc chắn cô sẽ sợ ma mà rúm ró lại một góc. Hồi chiều An nói “Em đợi anh trong rẫy rồi”. Tôi không kịp ngăn lại. Trong rẫy làm gì có ai ngoài cái thằng tôi quanh năm lầm lì như đất. Tôi đã cố chạy bạt mạng nhưng vẫn không kịp với đêm. Đêm ở núi xuống thì thầm như gió, rồi đổ ập một cách đột ngột không ngờ. Vừa thấy ráng chiều chầm chậm lả lơi đâu đó, bỗng chốc sầm lại như ai choàng tấm khăn trước mặt. Trong kia là An. Chắc chắn An đang khóc.

Sập vội cabin, tôi xô cánh cổng lơ lởi bằng mấy thanh gỗ xộc xệch. Mở cửa, tôi nhìn sững An. An đang ngồi bên chiếc bàn gỗ mộc tôi lấy được từ gốc cây phía bên suối đem về kê sát giường ngủ của mình. Chỗ đó những ngày mưa lê thê không thể ra rẫy, tôi thường lười biếng đặt lên đó những thứ có chữ và những cốc đại cà phê nguyên chất tự tay pha chế. Đó là những ngày hiếm hoi tôi được trở lại mình.

An nhìn tôi mỉm cười. Không phải đôi mắt sợ hãi và gương mặt nhút nhát như tôi hình dung. Trông dáng ngồi thật bình yên như thể An đã ngồi đó trước khi tôi rời khỏi nơi đây, giờ chỉ đợi trở về như lời hẹn. Tôi buông hai tay thõng lừng khừng. An bật cười thành tiếng. “Sao anh không chào đón An ư? Anh không muốn An làm khách của anh à?”. Hai nụ đồng tiền xoáy lõm sâu hoắm hiện ra trong cái cười của An làm tôi chết lịm. Mười năm trước, mỗi lần gặp tôi bao giờ mắt em cũng ngấn nước. “Thiên hạ đồn rằng anh đang tán em, ba mẹ la em quá chừng”. Mười năm trước em là ái nữ của công hầu khanh tướng xứ tôi. Mười năm sau em làm khách không mời của tôi ở chốn khỉ ho cò gáy này. Hỏi tôi xử sao cho đặng?