Một làn gió hiếm hoi lọt qua bức tường rào cao không làm ông cảm thấy mát hơn. Ông đang bực. Ban sáng, ông đem một triệu đồng đến góp để trùng tu nhà thờ họ và xây mộ tổ.

Ông gặp đúng lúc một thằng vào hàng con cháu cũng đang nộp tiền. Tay nó đang cầm một nắm bạc lẻ, mặt mũi còn lấm lem bùn đất. Nó vừa mới tát ao bán cá lấy tiền đóng góp. Nhìn xấp tiền mới cứng trên tay ông, nó nói bóng nói gió với một thằng khác: “Tiền không sạch đem mua vật liệu xây mộ tổ thì có mà sui cả họ!”. Thằng kia buông một câu lửng lơ: “Thôi thì để đấy, sau lễ khánh thành cho đám thợ xây một bữa rượu thịt chó cũng được!”. Ông nghe mà uất. Không chấp trẻ con nhưng ông cứ thấy sường sượng.
Từ ngày về hưu ông Xuyên như người bị tách ra khỏi xã hội. Sự hẫng hụt, vô lo càng làm cho ông thấy bức bối. Cổ nhân có câu “nhân vô thập toàn”. Tuy nhiên cuộc đời ông đến lúc này là tương đối chỉn chu, viên mãn. Thế nhưng sao ông vẫn cứ cảm thấy không vui.

° ° °
Ông Xuyên còn nhớ những năm sáu mươi, trong cuốn sơ yếu lý lịch của mỗi người đều có một dòng “ngày tham gia cách mạng”. Cái dòng ấy thật quan trọng. Nó là cánh cửa cuộc đời. Nhiều người đã đi lên kể từ khi ghi ngày, tháng, năm vào cái dòng ấy. Với ông Xuyên, bắt đầu từ độ đặt bút viết vào dòng kê khai ấy đến lúc ký vào bảng lương cuối cùng tại chức là cả một chặng đường đời hơn bốn mươi năm. Ông thấy tự hào. Song sao chợt có một nỗi buồn thoáng qua, không sâu nhưng nó cứ quanh quất đâu đây. Thì ra cả đời sóng gió, gập ghềnh, đua tranh, bợ đỡ hay dìm dập thì cuối cùng cũng phải kết thúc. Cái dòng trong sơ yếu lý lịch có tính chất mở đầu ấy chỉ dành cho mỗi người ghi một lần thôi.
Ông Xuyên thấy hẫng hụt. Bởi về hưu tức là từ nay ông đã bước sang một thế giới khác. Đó là “thế giới ACC” mà các cụ hưu trí vẫn thường nói đùa với nhau. ACC tức là “ăn-chờ-chết”. Thật là kinh khủng và vô nghĩa quá. Chỉ cần thoáng nghĩ đến điều đó, ông lại cảm thấy lạnh lưng, thảng thốt. Ông còn khoẻ lắm. Chỉ bực mụ vợ quản lý chặt. Một lần, cô thư ký nhớ nghĩa cũ, tình xưa nhắn tin vào điện thoại di động, mụ vợ xem được tịch thu mất máy và cảnh cáo: “Về hưu rồi thì biết điều! Tôi bảo ăn là ăn, bảo ngủ là ngủ. Ngày còn công tác tôi thả cho mà nhông nhênh, đú đởn, giờ thì liệu hồn”.
Có người bảo ông nên viết hồi ký. Cuộc đời ông xem ra cũng đáng viết lắm chứ. Từ một người có thể nói là “chân đất, mắt toét mà vươn lên làm đến chức vụ ngang cấp thứ trưởng cũng thật nên viết. Nhưng ông chưa viết. Ông sợ mình lại rơi vào cái chuỗi thời gian “ba hồi” nghiệt ngã của cuộc đời như người ta thường khái quát về những người hưu trí. Ba hồi đó là: “hồi ký, hồi sức và hồi kèn”. Hồi ký là ngồi tại nhà mà nghiền ngẫm, mà ghi chép lại cuộc đời mình rồi đem xuất bản cho người ta đọc. Tha hồ mà kể công, mà chiêm nghiệm, dạy đời, chẳng ai bắt bẻ được. Viết về mình ai chả kể lể công lao, kỳ tích của bản thân, đùn đẩy trách nhiệm, thất bại cho người khác. Hồi ký thường là xung khắc, đối chọi nhau chan chát. Nhưng đã khối người về hưu nhờ viết hồi ký mà thành danh hơn cả khi còn đang công tác. Hồi sức là khi ngắc ngoải ở bệnh viện (cứ nghĩ đến đã kinh). Một đời người tung hoành ngang dọc mà tới lúc phải dây rợ cắm chằng chịt khắp cơ thể, dẫn lưu, tiếp máu, tiếp nước thì còn ra làm sao nữa. Vậy mà, khối người tiền của chất cao như núi mà cũng chẳng hồi sức nổi. Còn hồi kèn thì là đoạn cuối, kết thúc ở ngoài nghĩa địa. Tiếng kèn réo rắt đưa người ta vào cõi vĩnh hằng nhưng đến nay cũng chả ai biết nơi đó có phải là chốn bồng lai tiên cảnh như vẫn đồn đại hay không.
Cứ nghĩ đến cái “chuỗi thời gian ba hồi”, ông Xuyên lại giật mình thon thót. Ông buồn đến nẫu cả người. Ông cũng muốn tham gia với tổ thơ của các cụ nghỉ hưu. Khi còn đương chức giám đốc một cơ sở kinh tế lớn nhất tỉnh suýt nữa ông đã trở thành nhà thơ, hội viên hội văn nghệ tỉnh hẳn hoi. ấy là một lần, hội văn nghệ tỉnh tổ chức cuộc thi thơ “Mùa xuân đất mẹ” tìm đến các doanh nghiệp xin tài trợ. Ông xuất luôn quỹ phúc lợi nhà máy ủng hộ hai chục triệu đồng. Thế là đám văn sĩ kính nể ông, thi nhau viết bài lăng-xê. Nhà máy ông tự dưng nổi lên như cồn, trở thành một điển hình tiên tiến của tỉnh, được cấp trên để mắt, rót ngân sách đầu tư. Văn phòng giám đốc luôn có khách văn ghé thăm. Mấy bài thơ kiểu “con cóc” ông viết từ thời còn chiến tranh được đám các nhà thơ “nâng cấp” lên đọc nghe cũng xuôi tai đáo để, rồi được đăng báo, bình tại hội thảo, ngâm trong hội diễn nữa. Hứng khởi, ông vừa chỉ đạo sản xuất vừa làm thơ. Một năm được bảy tám chục bài. Đám văn sĩ tỉnh nhận thù lao mông má lại, chêm thêm vào những mây gió, buồn vui, khao khát, giận hờn thế là hoàn chỉnh xuất bản một tập thơ khá dày dặn. Ông chi tiền in luôn bảy trăm cuốn, biếu tặng hết lượt các quan chức, đối tác trong ngoài tỉnh. Ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh mấy lần đề nghị ông làm đơn vào hội. Nhưng ông chưa kịp viết thì được điều động về bộ. Giờ nghỉ hưu, thơ ông có kém gì mấy cụ ở phường. Nhưng khốn nỗi ông không thể hoà nhập được với họ, đành chịu. Ông buồn. Ông luôn tự hỏi tại sao lại khó bắt nhịp lại với cộng đồng đến thế. Phải chăng ông là cán bộ cấp cao. Khi đã lên cao, hàng quan chức lúc về hưu khó hạ xuống thứ dân, trở lại đời thường. Cũng chưa hẳn là thế. Có lẽ là tại quá trình phấn đấu đi lên ông đã tự đánh mất dần những gì mình vốn có. Đó chính là bản ngã của con người…

° ° °
Ngày còn chiến tranh. Thanh niên trai tráng luôn luôn sẵn sàng nhập ngũ, rời quê hương lên đường ra mặt trận. Ông Xuyên cũng trong lớp người đó. Nhưng khi súng nổ ở xa thì tất cả còn hăng hái. Thậm chí có người còn cắt máu viết đơn xung phong nhập ngũ. Song lúc bom nổ ở gần thì người dũng cảm, kẻ yếu hèn thường bộc lộ bản chất. Ông Xuyên đã vô cùng hoảng sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy máu. Đó là hôm máy bay Mỹ ném bom trúng bến phà sông Tương lúc đông người. Ông cùng đội thanh niên xung kích có mặt sau trận bom. Nhìn cảnh người chết, người bị thương nằm la liệt, máu me đỏ lòm ông run cầm cập, xé mãi không nổi cuộn băng để bó buộc cho một thằng bé bị thương gẫy tay. Giữa khi ấy lại có tiếng ù ù rồi ai đó hét lên: “Máy bay… Mỹ… lại… đến… đấy!”. Hoảng quá, ông vội cuống cuồng xốc thằng bé lên vai chạy như điên vượt qua bờ đê vào xóm. Thằng bé được ông cứu lại chính là con trai duy nhất của đồng chí bí thư huyện uỷ. Thế là, ông được đồng chí bí thư để mắt quan tâm, cất nhắc. Ông được bổ nhiệm vào chức bí thư đoàn xã. Cứ ngỡ đó chỉ là chân sai vặt, xung kích thi đua cho có phong trào. Ngờ đâu lại do “cơ cấu” mà nên. Cơ cấu thường gấp vạn lần phấn đấu, hy sinh. Tuy có người chỉ vì bi kịch “cơ cấu” mà hỏng cả đời. Song phần lớn là nhờ cơ cấu mà nhiều người dù chỉ vào hạng “tầm tầm bậc trung” lại vượt hẳn lên. Là bí thư đoàn, ông được cơ cấu vào đảng uỷ xã, tham gia hội đồng nhân dân. Từ cấp xã ông lên huyện. Cũng chỉ bằng con đường đoàn thể ông lại được vào “cơ cấu” cấp huyện. Huyện ông thời ấy là một trọng điểm nên được trên chú ý, tập trung xây dựng thành điển hình. Đã là một đơn vị điển hình thì mọi mặt phải toàn diện. Song thời buổi chiến tranh nhiều khi chỉ tiêu kinh tế, công nông nghiệp tăng trưởng vài phần trăm, dân no ấm thêm đôi chút lại chẳng gây ấn tượng bằng cảnh trống giong, cờ mở, mít tinh rầm rộ, khẩu hiệu băng rôn rợp trời.