Mùi hôi hám, ẩm thấp bốc lên. Cái mùi thường phải ngửi ở bất kỳ nhà ga nào. Một kẻ ngái ngủ đến hỏi tôi xin lửa hút thuốc lá…

Đoàn tàu tiến vào đường sắt số 1. Rồi nó dừng hẳn. Tôi mở tấm vé xem lại, luống cuống chạy ngược, chạy xuôi, tìm toa của mình. Càng lúng túng hơn khi biết tàu chỉ dừng 5 phút.

– Phải toa số 5 đây không anh? – Tôi hỏi người đàn ông thò đầu ra cửa sổ.

– Phải đấy, lên mau đi!

Tôi chạy về đầu toa bên phải. Lạ quá, cửa đóng! Không thể tả hết nỗi bối rối khi đó. Cứ như gà mắc tóc. Chạy ngược lại bên trái. Người đàn ông khi nãy giơ tay vẫy tôi, ra hiệu nên leo qua cửa sổ. Đoàn tàu có dấu hiệu chuyển bánh. Tôi ném bừa túi du lịch qua cửa, bám vào tay người đàn ông tốt bụng, gắng sức đu mình trườn qua. Anh ta cũng cố để kéo cái thân hình to béo của tôi… Thế là thoát nạn, tôi thở phào nhẹ nhõm tìm số ghế. Chính tại khoang đó. Người đàn ông thu xếp một chỗ trên giá đựng đồ, đặt túi du lịch của tôi lên, lặng lẽ không nói gì. Tôi loay hoay buộc lại hành lý. Nhìn ngó ngược xuôi… sực nhớ, rút bao thuốc lá, quay lại, tôi muốn mời người đàn ông một điếu trước khi tỏ lời cảm ơn. Nhưng anh ta đã ngả lưng, kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai che nửa mặt. Có lẽ đã ngủ, hoặc anh không thích nói chuyện vào lúc này. Tôi ngồi xuống, theo tiếng xình xịch của đoàn tàu, cố ru mình chợp mắt.

Điểm tâm xong, tôi lại rút bao thuốc lá ra mời người đàn ông tốt bụng khi đêm.

– Cảm ơn anh, nhưng… tôi hút thuốc nặng lắm. – Vừa nói anh vừa rút bao Đà Lạt ra khỏi túi áo.

Ngồi đối diện nhau, giữa ánh sáng ban ngày, tôi mới có dịp ngắm kỹ anh ta… Da ngăm đen, vóc người nhỏ thó, khuôn mặt thanh tú nhưng buồn, hàng ria mép khá rậm, trên mình mặc bộ áo quần xoàng xĩnh. Ở anh toát ra sự trầm tư khó hiểu. Ngoài ra còn có cái vẻ, mà dẫu không rành tướng số, cũng có thể đoán được, con người này rất chật vật với cuộc đời. Chợt, anh chăm chú nhìn tôi. Tôi hơi sững người bởi trong cái nhìn như muốn đọc điều gì. Thời gian im lặng hơi lâu. Tôi rất muốn bắt chuyện, song chưa biết nên nói thế nào. Chợt nhìn xuống, thấy anh ta mang một chân gỗ, tôi buột miệng:

– Trước đây chắc anh cũng từng ở quân ngũ?

– Vâng, đúng thế!

Câu trả lời hoàn toàn điềm tĩnh, phớt đời, làm tôi bối rối.

Lại im lặng.

– Anh bị thương ở mặt trận nào? – Tôi nhìn xuống một lần nữa để hỏi.

– Chẳng ở mặt trận nào. Hết chiến tranh tôi trở về nguyên vẹn. Còn đây – anh giơ chân lên – là hậu quả đi sau.

Tôi lại lúng túng bởi thái độ hờ hững, thản nhiên như không của anh. Anh hơi khó chịu – tôi suy nghĩ. Như đoán được điều đó, anh lên tiếng:

– Chắc anh cũng thế, cũng từng ở lính?

– Vâng, cũng từng.

Anh ngắm nghía sự lành lặn của tôi từ đầu đến chân. Tôi hơi xấu hổ với thân hình to béo của mình.

Lại một hồi im lặng.

Để rồi tôi cố phá tan bầu không khí lặng ngắt đang bao trùm:

– Thời chiến tranh anh từng ở đâu?

– Ngay cái chỗ kéo anh lên tàu ấy. – Câu trả lời như được chuẩn bị sẵn. Anh nhìn tôi vẻ dò xét. Cái nhìn khó hiểu gây cho tôi cảm giác gai gai. Tôi đưa mắt lảng đi.

– Có lẽ anh là người của thành phố H.? – Anh ta lại hỏi.

– Phải!

– Tôi thuộc thành phố ấy như lòng bàn tay. Nhưng… nơi đó là nỗi ám ảnh trong đời, khiến hơn 20 năm tôi không dám trở lại, thậm chí còn rùng mình khi đi ngang đó.

Sửng sốt trước lời nói, sự tò mò thúc giục tôi cố bám theo tìm hiểu. Một thanh niên ngồi gần, kể một câu chuyện hài hước, cắt ngang chúng tôi. Khi câu chuyện kết thúc, tôi nôn nóng tìm cách gợi lại.

– Trước, tôi từng là lính biệt động nội thành. – Anh nói chắc nịch, sau khi tôi cố lái câu chuyện.

Dừng lại trầm ngâm. Rồi anh kể một thôi, một hồi, cảnh sinh hoạt của thành phố thời chiến tranh. Tôi chẳng quan tâm vì cái đó tôi cũng biết. Điều cần tìm hiểu là nỗi ám ảnh anh nói khi nãy.