Phòng con gái sao lạnh lẽo thế này?

Tôi quen lạnh. Đêm hơi lạnh như tên trộm lương thiện, buộc tôi thao thức. Nhưng các cô là loài hoa quý, không nên chưng trên mảnh đất khánh kiệt mật ngọt. Lạ chưa? Chạm vào sự tuềnh toàng phòng Kim, tôi yêu điều thiếu thốn ấy. Nghèo! Phải là sự bất lực, thanh bạch đáng trọng? Tôi ngồi mấp mé lên chiếc giường, trong giường còn bề bộn chăn màn, còn nồng nã mùi con gái tinh khôi. Kim chữa thẹn:

– Chú đến bất ngờ quá.

– Các cô đừng cho tôi suồng sã. Nhờ bất ngờ tôi cảm thông cảnh sống sinh viên xa nhà, khâm phục sự chịu khó của họ.

Kim và Chi duyên dáng cười… Căn phòng se se lạnh ấm lên. Tôi thì cười hai cô mặc quần soọc kín đáo cuộn nửa người trong chăn, thỉnh thoảng lấy tay kéo chăn, sợ nổi những đôi chân trắng lốp, lấm tấm da gà.

Tôi biết mẹ Kim là bác sĩ, Kim yêu mẹ, chọn nghề nhân hậu hợp tính cách Kim.Chi vai ngang, tóc ngắn, dưới mắt hai vết thâm mờ chấp chới vài cơn giông bão đã trải.

Mặc vội quần dài, Kim tiễn tôi về. Kim đi bên tôi nhỏ bé. Tôi dặn:

– Lấy giấy báo che bớt khe hở kẻo lạnh. Nấu cơm ăn cho mập nghe Kim.

– Dạ.

Kim ngước đôi mắt âu sầu nhìn tôi cười… đưa tôi rơi vào vùng trời nhiều mây chiều bảng lảng.

° ° °
Kim ít nói về mình. Kim luôn sẵn khuôn mặt cười thật hiền, tỏa ra từ đôi mắt buồn mà nguyên vẹn, ngời cả cái kính cận ba độ và nét mặt thuần hậu. Kim một mình, nhìn trộm, thấy Kim lắng sâu vào chuỗi miên viễn ưu tư, vừa khinh khỉnh cao ngạo vừa xa vắng trí tuệ. Vẻ trầm tư ấy mất ngay khi gặp người quen. Kim cười: mặt, mắt tươi long lanh và thắp sáng…

Tôi thì… nói đủ chuyện. Nói ùa ùa, ào ào rồi rơi tõm vào vực lắng nghe của Kim. Kim yêu ghét ít biểu hiện, tôi khó dò nông sâu. Khi tôi phát hiện nụ cười Kim rèn tập chín tới độ nghệ thuật. Tôi hụt hẫng. Chao ơi! Nhưng tôi thích xửng vửng vì thế. Vắng gặp Kim lòng quay quắt buồn!

Kim nghe tôi, đi chợ nấu ăn, phiền một chút nhưng no và bổ. Tôi canh giờ Kim đi chợ, vờ vô tình gặp. Chứ tôi đến Kim hoài dễ lố bịch. Gặp Kim nho nhoi, hồn hậu giữa hai bạn gái cùng lớp, Kim chào cười:

– A chú, chú cũng đi chợ?

– Công việc thường ngày mà… Cũng muốn tìm gặp.

Uyên – bạn Kim – cũng quen tôi. Uyên tròn đôi mắt đẹp, xa xôi và mơ hồ, nói:

– Chú tìm Kim phải không?

– Đúng một nửa – Tôi thú nhận.

Cùng các cô loanh quanh trong chợ đông người. Tôi lúng ta lúng túng chẳng biết mua gì. Nghe các cô chọn thức ăn, trả giá âm giọng Đà Nẵng ít bịn rịn, tâm sự như Huế, nhưng thanh thoát, mặn mòi nắng gió biển khơi. Trước khi tạm biệt, tôi mời:

– Khi mô rảnh mời các cô lên nhà tôi chơi cho biết.

Kim nhìn hai bạn dò ý, rồi rụt rè “Dạ”.

° ° °
Nhà tôi trong thung lũng vắng. Chung quanh ba ngôi chùa trên mấy ngọn đồi cây cối sum suê; sớm, chiều chuông mõ ủ ê. Cảnh buồn cổ kính, hoang sơ. Quen ở đây, tôi đâm dị ứng sự phồn tạp, bon chen, và thích thiên nhiên hiu quạnh.

Tim tôi liều, không bảo được. Nó bất cần biết tôi có gì ngoài sự thiếu thốn thường trực, mãi chênh vênh giữa vòng cơm áo xanh xao. Yêu Kim, tôi cả gan vốc trong đôi tay không đầy gió.

Tôi mừng đón Kim và Chi. Tóc các cô ướt lơ xơ như con mèo ốm, môi thâm nhợt vì mưa lạnh. Niềm vui tôi vừa vỡ lở, đã lụi tàn khi thấy phía sau hai anh thanh niên vào ngõ. Hai anh trẻ trung, đĩnh ngộ. Kim tế nhị không giới thiệu. Tôi vẫn biết có một anh đẹp trai là người yêu của Kim qua cách đối đãi mật thiết. Bây giờ tôi quên tên hai anh ấy. Tất nhiên! Nghe đâu, lãng quên là dấu hiệu người tài năng. Họ tập trung nghiên cứu quá tải, đâm hay quên. Tôi thì buộc phải quên họ do đố kỵ, do thua kém của mình.

Kim vẫn cười hiền. Nhưng tôi cảm thấy Kim cười độ lượng. Như cười ban phát cho gã hành khất chút tình vụn, ân huệ. Tôi lấy quyền gì đòi Kim yêu tôi chứ? Làm sao lấp được khoảng cách giữa tôi và Kim. Khoảng cách gần hai mươi năm tuổi tác nghìn trùng. Chao ơi! Tôi nửa đời bồng bềnh trong chữ nghĩa phù du, chừ còn đèo bòng trong long đong phù phiếm.

° ° °
Hai hàng phượng hoa vàng ngang trường Y, mùa đông rụng lá trơ cành ngọn, như nghìn lời khát vọng vươn khắc khoải giữa bầu trời xám ngoét, đẹp buồn bã. Mùa thu đường đầy hoa vàng lất phất rơi, rải từng thảm vàng hoa ngậm ngùi. Mùa xuân đi dưới hàng cây biêng biếc xanh, tưởng nghe được mạch đất chuyển từng ngày trong thớ gỗ.

Tôi trốn Kim mất đi trên con đường tuyệt vời.

Hay chưa! Càng tránh Kim tôi càng lọt vào võng lưới vô hình giãy giụa. Phố xá không Kim phố xá buồn. Khi nỗi nhớ tôi càng lấp đầy. Đêm đêm tôi phải ra ga Bồ đề mang nỗi nhớ trong tôi đang vỗ vô hồi những đợt sóng tái tê. Tôi gọi ga Bồ đề vì trong sân ga duy nhất cây bồ đề. Mà sân ga đâu hề yên. Tàu đi, tàu về lại ào lên, chìm xuống, cứ thế tới khi đụng vào nhộn nhịp sáng mai. Đêm sương khuya đèn điện dịu xanh lơ mơ, ươn ướt. Bóng người lui tới rời rạc một nhịp điệu buồn hiu, làm sao tôi tìm được phút nguôi yên.

Từ lâu tôi quên Kim thường ra vào Đà Nẵng thăm bố mẹ và cần gì đấy. Bất chợt tôi gặp Kim ngạc nhiên:

– A chú Văn. Chú đón ai rứa!

– Có ai mà đón – Tôi đùa – Đón Kim đây.

Tôi chở Kim về nơi ngoại trú mới. Kim kể: Kim học Y6, đã qua các khoa lẻ, hiện học khoa sản. Anh bạn lên cùng Kim lần ấy, đã xuất cảnh diện ODP.

Dạo này Kim tròn quay, cuốn hút âm ỉ!

Tôi lại la cà đến Kim.

° ° °
Chỗ ở mới Kim nằm sau lưng giáo đường. Nhà nhà, vườn vườn biệt lập, Kim không ở với Chi, chung chăn chiếu với cô bé Đoan Trang năm đầu Tổng hợp. Hai cô đồng hương khu phố, thân từ nhỏ, quấn quýt nhau như ruột thịt. Nết Kim nhu mì, luôn bị sức hấp dẫn của bạn gái kiểu Đoan Trang. Đoan Trang bương bướng, ngang ngang ,giống Chi tính bất cần. Tóc Đoan Trang ngắn chưa chấm tới vai ngang, mắt xênh xếch, mũi thanh tú, vóc mảnh dẻ săn chắc, cung cách bụi bụi ngang tàng như một cậu con trai. Sau này tôi hiểu Đoan Trang cứ dùng dằng quá khứ, nhiêu khê hiện tại, ngập ngừng tương lai. Trong lớp vỏ nhí nhảnh ấy, vẫn đọng rất đầy giông gió.