Nó trả lời với vẻ ngoan ngoãn, nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Hai lần, hai cây móc khoèo ổi, đã mất tích bí mật. Tú điều tra mãi, hoá ra con nhỏ… mượn, không phải để hái mận bên nó, mà để khèo ổi bên tôi. Tú tìm ra hai cái khèo với hai cái móc sắt đi hai đường, thật là tức. Đứng bên kia rào, thấy tôi cào đất – Lớp đất bùn trên mặt để cho vô chậu, là nó hỏi liền:
– Lấy đất làm chi rứa anh?
– Làm việc đi!
– Anh trồng cây mới phải không?
– Tao đã bảo mày im!
– Không hỏi nữa mô.
Nó ngoe nguẩy vô nhà. Nhưng tôi biết chắc, nếu vén bức màn ngăn cửa sổ, thế nào cũng bắt gặp đôi mắt nó đang theo dõi. Rồi nếu hai cặp mắt cùng chiếu tướng, thế nào có cũng cười.
Từ ngày ông nội tôi mất, ba tôi bỏ hẳn nghề chạy xe ôm mà theo hẳn việc làm vườn, trồng cây kiểng. Hai chậu mai trồng bốn mươi lăm năm của ông tôi đem dự thi ở Hội hoa xuân đạt giải nhất. Hai cây khế có trái trồng trên mười lăm năm của ông Cai ở Kim Long cũng đạt giải nhất. Từ ngày ấy, nhà tôi thường có khách vào xem và mua cây. Hai chậu mai ấy ba tôi không bán. Hằng ngày ông bắt sâu, nhổ cỏ, ươm chồi, ghép cành. Hai anh em tôi đi học về, phụ tưới cây cho đất vô chậu, ủ phân. Cây kiểng cần độ ẩm, không cần nước nhiều như cây lưu niên. Hai chậu mai quý đứng ở vị trí kín đáo, cao nhất trong vườn. Thế mà nhỏ Mai cũng biết. Hơn một trăm chậu cây, nó không để ý, chỉ để ý cây mai. Có một hôm chủ nhật con nhỏ đứng thập thò trước cổng. Nó không vào đâu phải sợ tôi. Chỉ vì hai con chó dữ thôi.
– Đứng làm chi đó, nhỏ? Tôi hỏi.
– Dạ có hai ông Tây muốn vô thăm vườn.
– Sao?
Nó quay lại chỉ hai ông Tây vừa đến sau lưng. Hai người đàn ông thăm khu vườn của ba tôi, xem cây kiểng, đứng rất lâu trước hai chậu mai. Có vẻ họ rất thích hai chậu mai ấy. Họ nói với nhau gì đó, vốn tiếng Anh bằng B của tôi chỉ nghe lõm bõm. Năm rồi có hai người cán bộ ăn mặc sang trọng đến hỏi mua hai chậu mai. Hình như không phải mua cho họ, mà mua đi Tết cấp trên. Ba tôi nói:
– Tôi không bán. Nếu bán, giá ba mươi triệu vẫn còn rẻ.
Thế mà họ đã trả từ hai mươi đến hai mươi bảy triệu. Tôi nghĩ ba tôi đã lung lay. Ai ngờ ông vẫn không bán.
– Cũng tại mày! Nếu mày không bép xép…
– Mô phải lỗi tại em? Mấy ông họ hỏi, em chỉ vườn chớ có biết họ vô mua mai, mà ba anh có bán mô nờ.
– Đồ quỷ tha ma bắt! Tú phụ hoạ.
Con nhỏ chạy biến vô nhà. Hè đến, tiếng ve kêu ran trong vườn khi trời chưa sáng. Thế mà con nhỏ không hiểu có chuyện gì, nó không chạy sang nhà xin tôi trái chanh, tép sả, hay mượn khèo móc ổi, mùa mận cuối tháng ba âm lịch vẫn còn trái, vậy mà nó không hề chạy sang. Lạ thiệt. Tôi thầm băn khoăn. Con nhỏ đó không biết giận. Tôi là người hay la nó và tức nó thì đúng hơn. Cô Hồng qua tìm tôi:
– Cho cô mượn cà mèn đi. Cặp lồng cô mất rồi.
Vẻ mặt cô hớt hải. Tôi ngạc nhiên. Cô giải thích ngay:
– Con bé có bịnh, nằm viện nữa tháng nay. Hôm qua nó về nhà, tối lên cơn, phải chở vô lại.
Trưa nắng như đổ lửa, tôi và Tú đạp xe lên bệnh viện Kim Long thăm nó. Con nhỏ không gầy lắm, làn da nó trắng bạch và nó còn mỉm cười với Tú khi chúng tôi vào. Đứng bên giường nó, lần đầu tiên tôi cảm thấy ân hận.
– Nhỏ đau chi rứa? Tú hỏi.
– Không đau mà vô đây? Con nhỏ cắc cớ hỏi lại. Cặp mắt nó đen như ướt nước.
– Đó, lại nói. Tôi ngồi xuống giường. Tú ngồi trên ghế, người ta cho nằm giường có thể đẩy cao lên để tựa đầu cho dễ thở. Con nhỏ nhìn tôi:
– Anh mới vô à?
Nó lại còn chọc tôi nữa đây! Tôi đặt cà mèn đựng cháo thịt bò của cô Hồng nấu và nải chuối tiêu tôi mua ở chợ lên bàn đầu giường.
– Ăn cháo nghe nhỏ? Tú vẫn tự nhiên. Nhỏ Mai gật đầu. Trông nó có vẻ yếu đuối, và tôi nghỉ, từ giờ trở đi, khó mày tao với nó quá:
– Hai chậu mai còn không anh?
Khi không, nó hỏi dở ẹc. Tôi đáp:
– Cũng tại mày, hai ông cán, mấy ông Tây, cứ hỏi mãi. Ai mà bán?
– Thì… ưng bán là quyền ba anh, tui có làm chi mô nờ.
””””Hừ, tui có làm chi mô””””. Suýt nữa tôi lại quát nó, nhưng rồi lại nín nhịn. Nếu kể ra, tội nó còn nhiều. Ngoài tội trèo tường hái trộm ổi, tội lớn nhất là những chồi lan, những cành mới ghép, nó đều về mách cô Hồng. Nó lại sai thằng Tú đi mua hoa, mua nến (hoa thì Tú mua… ở nhà) về tổ chức sinh nhật. Thật ra chỉ có nó và con chó ghẻ con chó Ki ốm nhách nó nhặt dọc đường. Cô Hồng nhiều lần muốn ném con chó vừa ghẻ vừa ốm vào thùng rác cho Sở vệ sinh thành phố, con nhỏ không chịu. Tú ở lại ăn sinh nhật với con nhỏ, có hoa (tôi trồng) kẹo bánh, và quà (Tú mượn tiền tôi). Bây giờ nó nằm trước mặt tôi, mong manh quá. Nó thường lấy cây mận của tôi làm chỗ dựng nhà, với vài tấm phên mục rách (mà ba tôi ném ở chuồng gà), rồi lấy đất đắp thành từng nắm nhỏ, bẻ nhang cắm lên trên. Không ai hiểu nó đang chơi trò gì. Bây giờ Tú đang đặt chén cháo vào tay nó lại, đỡ nó ngồi lên. Rồi tôi lấy chén cháo trên tay Tú.
– Nhỏ còn yếu. Thôi để… anh.
Nó ngượng, rồi đói bụng, nó cũng há miệng để tôi đút từng muỗng cháo. Ăn được hai chén, nó có vẻ khá hơn. Trông nó nhỏ bé, và tôi tự nhiên thấy lòng mình hơi khang khác. Nó lại cười toe khi đỡ ly nước trên tay Tú.
– Nhà mình lúc ni có còn ổi không anh? ổi xá lị ấy.
– Thôi đi, Tú lườm – năm ngoái, ý lộn, tháng giêng có cặp ổi xá lị tao lồng tặng bạn, mi phổng mất. Chừ hỏi chi? Tú chống tay lên hông – mà răng mi không khèo ổi tháng tám của cô Hồng, lại khèo trộm ổi của tao, hả?
– Thôi mà – tôi đẩy Tú lui – nhỏ đang đau, em nhắc chuyện ấy làm chi?
– Anh coi chừng, mắc kế mỹ nhân!
Tú nói rồi bỏ đi một nước. Tôi nhìn nó, cười.
Mùa hè là mùa cây trái ra hoa, vườn rộn tiếng chim và ong lũ bướm lượt bay về. Mùa mận qua, đến mùa nhãn, con nhỏ không về. Bịnh của nó ban đầu tưởng thấp khớp vô tim, ai ngờ không phải. Nó bị hẹp van. Tôi trở thành cua rơ, ngày một bữa mang cháo cho nó. Tú chở cô Hồng buổi tối. Nó nằm trong viện mà cứ như ở nhà. Hơi mạnh, nó lại đi quanh. Nó than, bệnh viện chi mà khô khan, buồn tẻ, không có cỏ xanh và nhiều hoa như ở nhà tôi. Nó nói nó nhớ vườn, nhớ con chim vành khuyên của tôi, và nhiều nữa..