Ông mở tủ cất túi đồ đạc vào, đặt cặp giấy lên bàn viết, thế là xong. Ông ra hiên ngồi vào chiếc ghế bập bênh uốn toàn bằng song rừng đặt sẵn đó, nhìn ra mặt hồ. Bây giờ mặt trời đã lên khỏi giàn hoa bìm trước hiên. Ánh nắng trung du trải vàng rộm trên mặt hồ lặng sóng phẳng lì như gương. Nước và trời. Mây và núi. Bốn bề yên tĩnh một cách lạ thường. Nguyên Hà lẩm bẩm một mình:
– Ôi chao, cứ y như đi an dưỡng. Đừng suy nghĩ gì, chỉ nằm đọc sách và ngắm cảnh thì tuyệt!
Cách đây vài ba chục năm, từ thời sinh viên, Nguyên Hà đã có dịp được tham gia đắp con đập chính cho hồ này. Ông đưa mắt nhìn bốn phía như cố tìm một chút quen thuộc còn sót lại nhưng không thấy.
Ông thoáng mỉm cười, hơi buồn buồn tự chế giễu mình sao lại đến đây, cảnh vật này chỉ hợp với những đôi đang yêu chỉ muốn thế giới ngủ hết đi để mình họ thức thôi, hoặc với ai có tâm sự u uẩn cần xa lánh những gì ồn ào, nhiêu khê của cuộc đời thường. Đằng này, ông đang viết giao hưởng mà lại là giao hưởng có chất bi hùng. Ông cần yên tĩnh thật – người sáng tác nào chả thế – nhưng là sự yên tĩnh tương đối, khi cần, mở cửa sổ ra chẳng hạn, là có thể có ngay không khí rộn ràng, phức tạp của cuộc sống với tất cả âm thanh đủ các cung bậc của nó. Nguyên Hà lắc lắc đầu, thong thả vén tấm rèm che cửa nách thông sang buồng bên. Một chiếc đàn dương cầm màu cánh gián đặt chéo ở góc phòng tuồng như đang chờ ông đến, sáng bóng, thơm nức mùi dầu sơn. Trên nắp đàn, có một chiếc lẵng nhỏ tre đan quang đầu, trong lẵng đựng mấy hòn cuội màu bằng quả trứng. Một vệt nắng lọt qua, vấp phải cửa kính nhòe ra, phản chiếu vào chiếc lẵng làm mấy hòn cuội bỗng lập lòe như một bông hoa lạ. Nguyên Hà ồ một tiếng khẽ, bước tới. Ông không khỏi sửng sốt. Người nào đặt chiếc lẵng cuội vào đây chắc hẳn không phải vô tình. Ông lặng người đứng ngắm hồi lâu, xong gượng nhẹ nhấc chiếc lẵng đặt lên bệ tường, mở nắp đàn, bấm thử vào hàng phím. Tiếng đàn vang lên, tỏa ra, ấm, khẽ rung rinh như có ẩn một hơi thở nồng kín trong đó. Nguyên Hà đậy nắp đàn ngẩng lên. Tường phòng đặt đàn bốn bên gắn toàn bằng sỏi. Ông xoa tay vẻ hài lòng. Người thiết kế khu nhà dành riêng cho sáng tác âm nhạc này quả đã tính toán khá.
– Thưa… Cháu mời chú xơi cơm ạ.
Một giọng nói hơi rụt rè cất lên sau lưng Nguyên Hà. Ông ngoảnh lại. Một cô gái sơ – mi màu đỏ gạch cua hiện ra ở khung cửa chính. Cô bước vào phòng, nhẹ nhàng đặt khay cơm xuống chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ, sắp bát đũa.
– Sao cháu không để ở nhà ăn?
– Thưa… Vì chỉ có mình chú, để chú đỡ thì giờ lên xuống, cháu mang đến phòng ạ.
– Thế thì phiền cháu quá!
– Không sao đâu ạ.
– Cháu là người phục vụ ở đây à? Cháu ngồi xuống đã!
– Thưa vâng.
Cô gái ghé vào mép ghế, đầu hơi cúi. Chiếc cằm chẻ rất ít thấy làm cho khuôn mặt cô sáng lên một vẻ nghiêm trang. Nhưng mái tóc cắt ngắn, buộc rẽ ra hai bên thành hai lọn mỏng, cong như hai chiếc sừng nhỏ thì lại đầy vẻ nghịch ngợm.
– Cháu tên là gì để chú gọi cho tiện? Công việc ở đây có vất vả lắm không? – Nguyên Hà vừa xới cơm vừa hỏi. Ông đang đói bụng, và thấy không cần thiết phải quá ý tứ.
– Cháu là Chuyền. Thưa chú, chả có gì nặng nhọc đâu. Việc của cháu là trông nom quét dọn nhà cửa, sắp xếp nơi ăn ở và làm việc cho các chú, thế thôi. Chú cứ xơi cơm đi ạ.
– À… – Nguyên Hà hất đầu về phía sau, nghĩ nhanh – Một cái tên mộc mạc… – chiếc lẵng cuội kia cháu Chuyền bày đấy à?
Cô gái khẽ giật mình:
– Vâng, sao kia ạ? Thế… Hình như… Không hợp lắm hả chú?
– Không phải. Rất hợp là đằng khác. Giản dị, trang nhã. Cháu có con mắt thẩm mỹ tốt đấy!
Cô gái đỏ mặt, cười:
– Thế mà cháu tưởng chú chê, cháu sắp phát hoảng. Sau ngọn đồi kia có một con suối cạn, nhiều cuội màu đẹp lắm chú ạ.
– A… Để rồi chú cũng sẽ đi nhặt – Lòng Nguyên Hà bỗng bừng lên những ý nghĩ trẻ thơ – Cháu bao nhiêu tuổi, quê ở đâu, đã có…
– Dạ cháu ở Gia Lâm. Thưa chú… Cháu… nhiều tuổi rồi đấy ạ.
Cô gái trả lời lấp lửng, có vẻ không bằng lòng. Lập tức, Nguyên Hà thấy ngay sự thất sách của mình. Không bao giờ nên hỏi tuổi phụ nữ, trừ khi đó là một em bé hay một cụ già!
Như để tránh cho người nhạc sĩ khỏi bối rối, cô gái lảng sang chuyện khác:
– Cháu vẫn thường nghe những bài hát của chú trên đài, tuần vừa rồi họ giới thiệu cả một chương trình của chú, phải không ạ?
Nguyên Hà gật đầu:
– Cháu có nghe à?
– Vâng. Nhạc của chú hay lắm, hay mà lại đẹp!
Cô gái nói một cách thật thà, đầy vẻ khâm phục. Rồi đứng dậy thu dọn bát đũa:
– Thôi chú đi nghỉ. Cháu xin phép chú…
Tiếng guốc khẽ khàng đi ra. Bất giác, Nguyên Hà nhìn theo cô gái. Ông đã nghe không ít lời khen, nhưng “nhạc đẹp” thì hình như đây là lần đầu, phải, lần đầu…

Phải đến hai ngày làm quen với không khí mới và bắt lại cảm xúc ít nhiều bị đứt đoạn, đến ngày thứ ba Nguyên Hà mới ngồi vào bàn làm việc.
Buổi chiều, ông đã đi lang thang trong vùng, leo lên dãy đồi hình thù giống con thằn lằn đang nằm sau lưng khu nhà sáng tác ngắm toàn cảnh hồ nước. Ông men theo sườn đồi ngoằn ngoèo tới bờ đập chính, rồi lộn trở lại phía sau con đập phụ. Nhưng không thể nào tìm được nơi ngày xưa ông đã ở, đã làm, tất cả hình như đã chìm dưới lòng hồ. Kỷ niệm không để lại dấu vết nào đáng nhớ, nhưng tâm tình cứ vương vấn mãi không thôi. Và, trong phút chốc, nó bỗng gợi lên trong ông một liên tưởng bất ngờ: Sự thầm lặng của người đi xây hồ có cái gì hao hao như sự thầm lặng của các chiến sĩ mở đường Trường Sơn. Không thể so sánh hai chiến công ấy, dĩ nhiên, bởi vì một bên là xương máu, một bên dù sao cũng chỉ là mồ hôi công sức, song sự thầm lặng thì có thể kể đến như một lẽ công bằng. Mười năm, hai mươi, bốn mươi năm sau chẳng hạn… phỏng có ai nghĩ đầy đủ và sâu xa đến những con người không tên tuổi đó và bồn chồn tự hỏi không biết bây giờ họ làm gì, ở đâu trên mọi miền của đất nước…?
Nguyên Hà đã viết lại chương đầu trong tâm trạng đó. Nhát dao xẻ núi của những người lính đi đầu vang lên một cách thầm lặng, chỉ có mình mình nghe, và tiếng chim rừng cũng chỉ thủ thỉ, niềm vui gặp gỡ giữa người và chim là niềm vui cần giấu kín… Nguyên Hà đặt bản nháp lên giá, ngồi vào đàn. Trước mặt ông, rừng núi điệp trùng, tiếng gió xào xạc trên vòm cây… Chiếc kim địa bàn trong tay người chiến sĩ rùng rình chỉ về hướng Bắc… Con dao trong tay phải vung bập vào cái thân cây thứ nhất… Tiếng nhạc đầy ắp gian phòng đưa Nguyên Hà vào giữa vùng âm u lần đầu tiên có dấu chân người đặt tới… Nửa say nửa tỉnh, ống lướt tay trên dãy phím, chậm dần, chậm dần… Rồi ngừng lại ở nốt kết thúc – nốt si bình không có hòa âm ngân dài như một lời nhắn gửi từ xa…