Nếu đọc xong câu chuyện này, bạn nói “Có” thì chắc rằng câu chuyện này có thật, ít nhất đâu đó trên thế giới này cũng sẽ tồn tại một câu chuyện như thế, với những con người như thế.

Còn khi đọc xong câu chuyện này, bạn mỉm cười, lắc đầu và nói “Tất nhiên là không rồi” thì hẳn nhiên, câu chuyện ấy không còn tồn tại. Chí ít trong tâm trí bạn đã không cho phép nó tồn tại nên dù có là sự thật hiển nhiên đi chăng nữa cũng sẽ bị phủ nhận một cách thằng thừng.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là sự đồng ý hay phủ nhận của bản thân bạn, mà là sự đặt cược của chính tác giả. Có thể tác giả sai khi hy vọng quá nhiều, cũng có thể tác giả đúng khi biết rằng bạn sẽ mỉm cười và gật đầu nói “Có”. Điều đó không quan trọng. Quan trọng hơn hết là giây phút bạn nhận ra mình có những gì trong tay, mình sẽ làm được những gì ở hiện tại và cho phép mình tin những gì ở tương lai sắp tới.
—-
Ngọc Linh bé bỏng…
Cô gái nhỏ tật nguyền xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau, em khẽ nhíu mày, lần mò bàn tay trong bóng tối để tìm kiếm một vật. Em cần tìm một tờ giấy trắng, một mẩu giấy nhàu nát và bị vo viên giống hệt như những tờ giấy thường bị người ta đối xử khi sắp vứt chúng vào sọt rác. Trong bóng tối, em không tìm thấy gì cả. Đôi mắt cố gắng mở to hết mức, bàn tay cố gắng mò mẫm đến từng góc khuất. Nhưng vô vọng. Em ngồi thu mình tại một góc, để chiếc nạng xuống cạnh mình, khoanh tay trước gối, và em khóc nức nở.
Đêm về khuya. Tiếng kim đồng hồ chậm rãi kéo lê từng khoảnh khắc của thời gian. Ngày mới được chào đón một cách không vội vã. Đêm dài. Cô gái nhỏ ngồi đó, cô đơn và tủi hổ.
“Tạch”
Đèn bật sáng. Cô gái nhỏ giật mình. Em nhìn ra phía cửa, một người phụ nữ nhìn em chăm chú. Khẽ giật mình, em cố gắng nín thở.
– Giờ này còn chưa ngủ? Lên giường ngủ!
Câu nói không quá to nhưng đủ làm cô gái nhỏ run người. Em sợ hãi, cau mày lại và mím chặt môi. Bàn tay em tìm đến chiếc nạng gỗ, lật đật làm theo mệnh lệnh của người phụ nữ ấy. Bà ấy đứng ở ngoài cửa, đôi mắt sáng quắc, nghiêm nghị. Đó là một mệnh lệnh, luôn luôn là một mệnh lệnh.
“Tạch.”
Đèn tắt, cánh cửa gỗ đóng sầm lại. Người phụ nữ khuất dạng sau khoảnh khắc ấy. Cô gái nhỏ không tài nào chợp mắt, em mơ hồ nhìn lên phía trần nhà, nhìn những ngôi sao dạ quang sáng lấp lánh. Em ao ước một điều gì đó viển vông và xa vời. Em luôn không thôi hy vọng, không thôi tin tưởng… nhưng có vẻ như càng hy vọng và càng tin tưởng thì em càng thấy cuộc sống quanh mình xám xịt. Nhất là khi đôi chân của em bị tật sau một vụ tai nạn.
“Ngày, tháng, năm…
Hốc cây của thời gian à, ông có tồn tại hay không thế?
Cháu – Ngọc Linh, đã đang và sẽ luôn tin rằng ông tồn tại. Thế nên, cháu sẽ viết cho ông e-mail này. Kể từ bây giờ, và về sau nữa, cho đến khi nào có một ai đó nói với cháu rằng ông không hề tồn tại, thì cháu mới thôi viết e-mail cho ông.
Mà không. Kể cả khi người đó khẳng định rằng ông không tồn tại, cháu vẫn sẽ viết. Vì cháu muốn mình được chia sẻ. Ngay cả khi bên cạnh không có lấy một người bạn nào.
Ông thân mến, cháu gọi ông như thế có được không nhỉ?
Cháu không biết ông bao nhiêu tuổi? Sống ở đâu và là người như thế nào. Nhưng vì cháu nghĩ rằng sẽ coi ông là một người bạn, nên cháu sẽ xưng hô như thế nhé! Có thể nơi ông sống, với những lý lẽ và giáo điều khác, nhưng hãy tạm chấp nhận một cô bé là bạn của ông, như cách mà cháu đang làm.
Đã gần một giờ sáng và cháu vẫn không tài nào chợp mắt được. Ông biết không, từ khá lâu rồi cháu trở nên như thế. Khi nãy, mẹ kế có vào và kiểm tra xem cháu đã ngủ chưa. Chỉ cần mẹ kế bước vào là cháu biết mình sẽ phải ngoan ngoãn nằm trên giường, vờ nhắm mắt và vờ đang thở để đi vào một giấc ngủ ngon.
Điều đó thật mệt mỏi. Cháu vẫn cố tìm một mảnh giấy. Có vẻ như nó bị vo viên và ném vào một xó xỉnh nào đó trong ngôi nhà này thôi ông ạ. Cháu đã bắt đầu tìm từ xung quanh phòng mình nhưng không thấy. Đó là một bức tranh cháu vẽ về ông. Vâng, về ông đấy ạ! Cháu đã hình dung ra một hốc cây thời gian, ông tồn tại hữu hình nhưng vô thực giữa thế giới sống bộn bề này.
Ở hốc cây ấy, khuôn mặt ông hiền từ và trở nên thân thuộc, cháu cũng như những cô gái nhỏ khác sẽ bẽn lẽn đến gần, đút một lá thư hay một mẩu giấy vụn mà tất cả chúng cháu đã cố nắn nót để viết sao cho thật đẹp, thật ngay ngắn để ông có thể đọc chúng một cách rõ ràng. Nhưng mẹ kế của cháu cho rằng đó là điều nhảm nhí. Mẹ kế không thích cháu vẽ, chẳng bao giờ tỏ ra ủng hộ cháu cả.
Thế mà, cháu lại muốn trở thành họa sĩ ông ạ. Một họa sĩ vẽ nên tất thảy mọi thứ của cuộc sống phản ánh qua ánh mắt nhìn của mình. Rồi niềm tin và sự hy vọng sẽ tồn tại, ngay trong chính những bức tranh cháu vẽ. Cháu tin là như vậy!
Ông thân mến, ngày đầu tiên gửi thư làm quen với ông, cháu thật vô phép khi cứ kể lể một cách bất trật tự những chuyện rối ren xung quanh cuộc sống của cháu như thế này. Nhưng cháu hy vọng ông sẽ giành một ít thời gian để đọc, để cảm thông và cháu sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều.
Có phiền không khi cháu click vào nút “Send” và thư sẽ được gửi đến ông ngay lập tức nhỉ? Dù sao đi chăng nữa cháu cũng sẽ gửi thư cho ông ngay khi cháu kết thúc câu chào ở cuối thư ông ạ.
Và cháu hy vọng rằng ông sẽ ngủ ngon, ngon thật ngon để có tâm trạng thoải mái nhất khi đọc thư của cháu. Cháu biết, tâm trạng là yếu tố quan trọng điều khiển hành động của con người. Ví như mẹ kế của cháu, khi mẹ kế vui thì việc cháu đi khập khiễng trên cái nạng gỗ cũng không ảnh hưởng gì tới cuộc vui của bà. Nhưng chỉ cần mẹ kế có chuyện không vui, việc tiếng kêu “cạch cạch” trên nền nhà phát ra từ đôi nạng gỗ của cháu cũng khiến bà tức giận.
Bây giờ thì đến lúc cháu phải ngủ thật rồi. Ngày mai cháu có giờ học sớm. Chúc ông ngủ ngon nhé! Và nếu nhận được thư cháu gửi, hãy nhận lời làm bạn cháu nhé – Hốc cây thời gian.