Lễ là một con gà, cánh sơn tràng thì có đầu heo, mâm xôi, chai rượu và bông ba hoa trái, tùy mức độ của con người, miễn là lòng thành. Người ta bảo rừng thiêng lắm, kẻ nào xúc phạm đến rừng, đốn chặt bừa bãi là bị trừng phạt. “Ham của rừng thì rưng rưng nước mắt”.

Đèo Nhe nằm trên tuyến đường của hai tỉnh Tuyên- Thái, một bên núi cao rừng rậm, một bên rừng rậm suối sâu. Nước chảy ầm ào quanh năm. Con đường như sợi chỉ mảnh mai chạy giữa rừng xanh bất tận. Trong ngày cũng vắng bóng người, họa hoằn mới có tiếng vó ngựa của bà con dân tộc Tày, Nùng… qua lại như người sơn nhân. Kháng chiến, nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng, được canh gác cẩn thận. Cơ quan đóng ở rừng sâu, trong những cái lán dưới tán cây già, dọc triền suối, được gọi là An Toàn khu (ATK).

Không hiểu sao một cô gái xinh đẹp như Ngọc, dừng chân trên dặm đường khói lửa lại tấp về đây, mở quán qua ngày. Với cái tên “Quán Ngọc” để các chàng trai trẻ có dịp lên về hai tỉnh Tuyên -Thái dừng chân và ngắm.
Anh chàng Điền là người hay đến quán, gần như chủ nhật nào cũng có mặt. Điền ở xa quán cả chục cây số. Chàng trai tú tài trường Bưởi Hà Nội lẽ nào không cảm mến một cô Ngọc đồng hương phiêu bạt lên đây. Để rồi duyên nợ kéo hai người vào trại giam, rồi sau chung thủy trọn đời, nhưng đó là chuyện dài sau này.

Ra khỏi cổng trại giam Cẩm Sơn, ông Điền đứng lặng nhìn trời, nhìn đất, nhìn mông lung… nhìn người qua lại trên quốc lộ số 3 hết sức vội vàng. Người nào cũng đội mũ rơm, vòng lá ngụy trang. Cả nước lại đối mặt với cuộc chiến tranh chống Mỹ, một tên xâm lược giàu mạnh và tàn bạo nhất hành tinh. Vì thế mà ác liệt hơn cuộc chiến chống Pháp mà thế hệ ông Điền tham gia ngày Hà Nội khói lửa, rồi lên rừng và ông bị vạ. Ông không hiểu do đâu, tại làm sao mà họ có thể gán cho ông cái tội ấy. Tội làm gián điệp. Ông thông thạo tiếng Pháp. Ai đã học bậc trung học thời ấy mà chẳng thông thạo tiếng Pháp như ông. Ông nói chuyện với một sĩ quan cấp tá bị ta bắt làm tù binh.
Ông nhớ như thuộc làu những gì mình đã nói với viên sĩ quan Pháp ấy, và thậm chí nói rất hoa mỹ, đúng lập trường: Cuộc chiến tranh mà chính phủ Pháp gây nên là phi nghĩa, chính nhân dân Pháp cũng lên án và ủng hộ cụ Hồ Chí Minh. Một sĩ quan cấp tá như ông đã tham gia đánh Đức Hít-Le bị cụt một tay, ông phải là người ủng hộ chúng tôi kháng chiến, như các ông kháng chiến chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp.

Tên thiếu tá De Courté đi đường dài ngày, áo quần lem luốc râu ria xồm xoàm, tiều tụy như người ăn mày trên nẻo đường chiến tranh. De… cúi gầm mặt lấm lét nhìn anh bộ đội cụ Hồ giảng cho nghe bài học vỡ lòng về một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Anh ta giỏi tiếng Pháp, còn hơn cả người Pháp ít học, lại còn tặng De… cả nải chuối với mấy điếu thuốc lá mà hắn thèm rỏ dãi. Viên thiếu tá tù binh và có lẽ là cả Ngọc, họ đoán rằng: anh này nhất định là cấp chỉ huy trong bộ đội cụ Hồ. Họ đâu biết, Điền chỉ là một chiến sĩ bình thường của cục Địch Vận có nhiệm vụ thông dịch, viết những tờ truyền đơn bằng chữ Pháp để gửi đến nơi nào có binh lính Pháp đóng đồn, vô vùng tạm bị chiếm. Điền làm việc ấy quá khỏe, chẳng khác nào một sinh viên đi làm gia sư cho cô cậu đang học tiểu học. Vì thế anh có thời gian đến quán Ngọc tán chuyện cho vui và cũng để khỏa lấp thời gian hàng ngày.

Ông Điền quá xúc động, được nhìn mây trời, sông núi tự do. Đành rằng những ngày tháng chăn đàn dê đông mấy trăm con, chẳng bị ai câu thúc. Sáng mở chuồng, đàn dê chen lấn xô đẩy, con nào cũng có mục đích riêng; con thoát ra đi kiếm sống, con đực xồm thì chăm chăm vào chuyện ấy, con nhỏ bị kẹt, kêu lên như ai đâm cổ. Ông đem theo bi đông nước, một quyển sách, đôi khi vớ được quyển sách hay, nguyên bổn tiếng Pháp của các tác giả lớn: Dumas, André Maurois, … thế là vui rồi. Ông đọc như ăn tươi nuốt sống con chữ in trên trang giấy ố màu. Khẩu phần trưa đạm bạc khó ai tin, nhưng là sự thật: vài khúc sắn với dúm muối. Cả nước khó khăn về lương thực, gạo cho bộ đội, cán bộ cũng hụt hơi, nhiều tháng mậu dịch xin khất nợ, đào đâu ra gạo ăn cho tù nhân. Những năm sau ở trại, quản giáo, rồi giám thị trưởng cũng nể ông, họ lấy làm tiếc, nếu ông không bị cái vạ tiếng Tây thì bây giờ ông là sếp của sếp trại trưởng này. Không ai quản ông, nhưng ông vẫn là người tù, người tù chăn dê.

Giờ đây ông ra khỏi trại, có giấy tờ hẳn hoi, do ông thứ trưởng ký. Ông đi một đoạn đường khá dài, dài đến bốn- năm cây số và nhìn lui, trại giam sau núi mờ dần. Nơi ấy đã giữ lại của ông thời gian hơn mười năm. Cuộc đời tù quá đắng cay mà ông chẳng biết vì sao thượng đế lại chọn ông. Trong khi ông gánh chịu, chẳng một cơ quan nào, hay một ai tra cứu xét lại cho ông nhờ. Vậy mà ông tưởng như mới đây thôi. Ông reo lên: ôi tự do…
Cái quán nước bên quốc lộ 3 chỉ là mấy tàu lá cọ che tạm nắng mưa, chẳng có gì đáng kể, thuốc lá điếu bán lẻ, kẹo lạc, nải chuối tiêu vàng vỏ, nước chè Thái ủ kín ấm chuyên với cái phích tre. Bà già chủ quán nhìn ông và đoán ra người tù được tha, nhưng bà chưa hỏi vội.