Ngước nhìn lên, đã thấy không gian như vừa được phết lên một lớp sơn màu ghi sáng mỏng, hơi ấm lúc nãy vừa phả biến mất, thay vào đó là cái lạnh se bất chợt làm cho người ta thoắt rùng mình…
Thuận khép lại tà áo gió khoác ngoài, bước chậm hơn, vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ. Ngọn đồi nửa bên này phẳng lì trơ trụi, nửa bên kia vun lên rậm rạp, van vát như một quả bưởi ai vừa cắt chéo, mang một dáng vẻ vừa giấu giếm vừa phơi bày làm cho lòng Thuận bỗng dội lên một niềm nho nhỏ, xôn xao mà không biết là niềm gì, vui hay buồn, từ đâu đến. Chị mỉm cười, lắc lắc mái tóc, cảm thấy mình lạ lùng khó hiểu như không phải là chính mình vậy. Đường lên mặt vát bên này để vòng sang mặt tròn bên kia xuống lưng chừng đồi, nơi từ đó có thể thấy dưới xa con sông lượn một vòng cung hơi điệu đàng một chút, là ngôi nhà cha con ông lão Kiệm, người trông coi nương chè của xã.
Bà con xóm đồi gọi ông Kiệm thế, nhưng thực ra ông mới ngoài năm mươi, chưa đến cái tuổi lên lão, chẳng qua gọi theo thói quen và một phần vì ngoại hình của ông mà thôi. Ông tầm thước, lưng rùa, bộ râu quai nón không được chăm sóc kỹ lưỡng luôn rậm rì, âm u trên khuôn mặt chữ khẩu, ẩn một nét giang hồ lang bạt. Vậy mà trên khuôn mặt đó, một đôi mắt dài màu chì khá thanh tú, long lanh với cái nhìn không chớp chỉ có thể có được ở người chưa mấy từng trải, thì rõ là mắt của một anh học trò! Đôi mắt được gắn vào khuôn mặt như một sự bày đặt cố ý, lại như một sự ngẫu hứng thâm trầm – Thuận nghĩ bụng.
Chẳng biết ông Kiệm đến vùng đồi này từ bao giờ, có lẽ đã lâu lắm, khi mẹ con Thuận về đây thì bà con trong thôn xã đã coi ông như là dân gốc. Bấy giờ chồng Thuận vừa hy sinh ở mặt trận, giấy báo gửi về mãi sáu tháng sau mới đến địa phương, phong bì và giấy đánh máy bên trong đã nhàu nhĩ vì bom đạn, vì mưa gió đường trường. Đang thời kỳ chiến tranh ác liệt, những nỗi đau mất mát như của chị không hiếm nơi hậu phương. Vì vậy, nó buộc chị phải tìm đủ mọi cách để mau chóng khuây khỏa, nguôi ngoai. Trước mắt chị là đứa con nhỏ đang cần chị nâng niu bù đắp cho nó cả tình mẹ lẫn lòng người cha, thứ nữa là công việc ở nhà trường, là các em học sinh của chị. Thuận tự nguyện lên vùng đồng rừng nhân lúc ngành giáo dục vận động các thầy giáo cô giáo từ miền xuôi lên miền ngược. Đó là một ngày sắp mãn tiết thu phân một năm sau khi người chồng Thuận mất, cũng là năm đất nước được hoàn toàn giải phóng. Chị còn nhớ như in những ngày đầu đặt chân tới ngôi trường mới. Trong số người xã cử tới sửa sang lại gian phòng trường phân cho chị trong ngôi nhà tập thể của giáo viên lợp bằng lá cọ ở xế sân sau trường, có hai cha con ông lão Kiệm. Họ dựng thêm cho mẹ con chị một cái chái bếp. Trái với người cha, ông lão càng xởi lởi vui chuyện bao nhiêu thì anh con trai, mới chỉ là cậu bé mười tám mười chín mà đã như ông cụ, mặt mày nghiêm trang, cứ lầm lì lụi hụi làm cùng cha, cạy răng không nói một lời. Cũng nhờ buổi đó mà Thuận biết được đôi điều về cuộc đời ông Kiệm do chính ông kể lại. Ông người miệt dưới, phía biển, thuở nhỏ được ăn học đàng hoàng, đậu bằng “pri-me”; lớn lên, suốt thời trai trẻ theo thuyền đi buôn bán xa, Quảng Ninh, Móng Cái, Hội An rồi Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa, từng đặt chân đến tận Hàng Châu Trung Quốc… ăn cơm thiên hạ đã mòn răng.
Ông chặc lưỡi vẻ khâm phục :
– Đất Hàng Châu là đất gấm vóc lừng danh, mà chè nước tẩm sao cũng nổi tiếng, cô giáo à!
– Vâng… cháu cũng có nghe nói!
– Nói chuyện này cô giáo đừng cười. Một hôm ra phố Hàng Châu, tôi bị hút hồn bởi một cô bán lụa đấy! Thế là có bao nhiêu tiền mang theo tôi mua sạch, vét gần hết quầy của cô ta. Nói bao nhiêu mua bấy nhiêu, chẳng mặc cả mặc con gì sất. Các quầy khác cứ trố mắt ra nhìn, vừa lạ vừa ghen! – ông lão phá ra cười ha hả.
– Ôi bác! Cô ta nói gì với bác mà bác mê say đến thế? – Thuận vui lây với mẩu hồi ức hồn nhiên của ông Kiệm, mỉm cười hỏi, nghĩ thầm: “Bố già lãng mạn thật, đa tình gớm!”.
– Thế đấy, cô giáo à! Bấy giờ tôi còn trẻ mà, phong độ và đẹp trai nữa, chẳng có vẻ gì là dân buôn cả, cứ như là một nhà báo, một công chức vậy… ờ… ờ cô ta nói gì với tôi à? Ngôn ngữ bất đồng làm sao tôi hiểu được. Cô ta mặc một chiếc áo dài Thượng Hải, hai cánh tay trần mềm như hai cánh chim đưa lên đưa xuống đưa qua đưa lại, đo lụa cho tôi. Chỉ thế thôi mà tôi thấy như tắc thở đấy!
Thuận giật mình. Không ngờ ông già bề ngoài có vẻ khô cứng thô ráp như một gốc cây lại có một nội tâm mềm mại, hơi “ướt át” như thế. Chị bỗng thấy băn khoăn day dứt một cách vô cớ, định gợi chuyện ông điều gì đấy nhưng kiềm chế được, lại thôi. Anh con trai ngồi trên mái bếp đón tấm tranh ông bố đưa lên từ ngọn sào xóc vào, tay xoắn múi lạt một cách giận dữ, bật ra :
– Nói cái gì không nói, lại nói ba cái chuyện “loăng quăng”! Bố già rồi, không biết ư? Không sợ người ta cười cho là vô duyên ư?
– Thuận ngạc nhiên nhìn cậu con, lại nhìn ông bố, đợi một lời vặc mắng lại của ông. Nhưng không, hai người chẳng nói gì thêm cả, cứ như vừa rồi không có gì xảy ra. Ông bố nhìn vào mắt cậu con một lúc khá lâu làm cậu con cụp mặt xuống, rồi quay đi như thể để giấu tình cảm hoặc nối tiếp sự suy đoán mơ hồ của mình vừa trỗi dậy, gật gật đầu.. Thuận chẳng còn hiểu ra sao nữa. “Người ta” cậu bé nói đây là ai chứ? Chỉ mọi người xung quanh hay chỉ riêng chị? Nếu thế thì cậu bé nhầm to rồi. Còn trẻ con có khác. Cậu ta tưởng bố “tán” Thuận, hay đặt bố cũng chỉ cùng một trang lứa với chị? Chao ôi, mình già đến thế rồi sao!…