– Bước lại!

Thằng bé, bàn tay trái nắm lấy hai ngón của tay phải đặt trước quần lủi thủi bước những bước ngắn chủn lại phía anh.

– Vì sao sáng nào chú cũng bảo Rơm học mà Rơm không học?

Anh giáng một bợp tai vào má thằng bé. Nó loạng choạng, đổ vật xuống chiếc giường độc nhất kế cạnh.

– Bước lại!!

Anh gồng người lên như cú vọ. Thằng bé đứng chưa vững, anh bồi thêm một bợp tai nữa. Trong nỗi khiếp, thằng bé lồm cồm bò dậy, cố đứng trước mặt anh.

Chị nó đặt “cạch” cái chén còn lại vào mâm cơm, mặt vếch lên: “Đồ lì lợm!”. Anh được tiếp thêm sự giận dữ. “Vu…t…” – tiếng roi chao giữa khoảng không rát rúa. Lằn roi dính trên đùi, mông thằng bé.

Cánh cửa mở toang. Bà chủ nhà trọ mới ló mặt vào, anh nạt: “Chị bước ra!”. Bà ta không giận, hỏi gắt: “Răng đập em dữ rứa?!” Anh thở dốc, ngừng tay. Thằng bé chuyển từ khóc sang rên ừ ự.

– Trừa chưa Rơm? Bước dậy. Trừa chưa?!

– Dạ… rồi…

– Từ giờ có chịu ngồi vào bàn học không?

– Dạ, có!

– “Có” mấy trăm lần rồi, hả? Hứa với chú mấy trăm lần rồi?

Thằng bé nấc lên liên tục, nói không thành tiếng nữa.

– Đi rửa ráy vô học.

Bà chủ nhà né người cho thằng bé ra, nhìn anh. Rồi bỏ đi. Thằng bé đã thôi la hét song chuỗi âm thanh hồi nãy chắc vẫn còn neo trong tâm trí của hàng xóm. Anh thấy hối hận, không phải vì đã để cho tiếng kêu kia thoát khỏi căn phòng chỉ rộng chưa tới mười mét vuông; mỗi tháng cả tiền điện nước, vị chi chị phải trả ba trăm hai mươi ngàn. Trong lúc anh không hề có đồng nào góp vào mỗi tháng, lại còn ăn uống ngày hai bữa. Mọi sự khổ, đổ lên đầu chị tất. Vì thế thằng bé hư, anh càng tức, càng mạnh tay vào làn roi quất lên thân nó.

° ° °
Phàm chuyện gì xấu cũng phải uốn nắn từ từ, nhất là đối với trẻ nít. Hơn ai hết, anh hiểu điều đó. Việc dậy sớm hay ngồi vào bàn làm việc, với anh cũng mất mấy tháng đằng đẵng mới đi vào nền nếp. Vậy mà với cu Rơm… Không. Chính vì nó không tiến triển được chút nào, anh mới lồng lộn lên nhường ấy. Anh biết từ lúc lọt lòng, thằng bé đã hoang dã, do mẹ nó tối ngày trên đồng ruộng. Còn khi thằng bé vào mẫu giáo, chị phải ra thành phố… gặp được anh. Mệ ngoại thương cháu về ở cùng trong căn nhà trệt. Ngoài buổi ăn cơm ra, cu Rơm lang thang khắp xóm, là một trong những đứa con nít ba trợn nhất, ăn nói bậy bạ nhất. Lần đầu tiên nghe được tiếng “đ. mạ” phát ra từ miệng nó, anh trợn tròn mắt, không tin nổi. Trời ơi, trong căn phòng này, trong môi trường lành mạnh này, lại có thể dung chứa một đứa như nó? Anh hoang mang, nghĩ ngay tới công việc vô cùng gian nan là đưa cu Rơm từ “rừng hoang” trở về với xã hội loài người! Và ngay lúc đấy, anh sốt sắng dặn dò nó, nó ừ ạ. Nhưng ngày mai anh lại nghe nó phát âm thứ “ngoại ngữ” đó. Anh sôi máu. Có điều anh không thể đánh nó. Đánh đập nó, sao có thể được. Anh nghĩ tới chị, thấy gượng gạo, nếu cầm cây roi. Anh không có quyền đánh nó. Cứ thế anh mang khối u trong mình, giữa bực tức và kìm nén. Sau bao nhiêu lần anh nghe ông chủ phàn nàn rằng thằng cu hoang lắm, phá phách, trèo lên tít trên bụi cây trước cửa, ném đá vào người đi qua kiệt nhà… Một sáng lên phố tới thư viện tìm sách, ghé vào anh bắt nó ngồi vào bàn chép hai trang, hẹn khi anh về phải xong. Kết quả là con số 0. Đã bao lần như thế rồi, anh tính không xuể… Anh nuốt cơm không vào, và muốn ném cái chén vỡ tan cho hả giận. Không thể không gai mắt nhìn nó ăn, anh đứng dậy quay đi, rút cuộc lại nhìn nó ăn. Mân cơm chỉ mỗi dĩa trứng 8 lát, mà ăn chưa hết chén cơm nó đã ngốn 5. Và những bữa sau cũng thế, anh thấy rành rành sự ích kỷ trong lối ăn của nó. Tất cả, tất cả mọi hành động của thằng bé, anh thề sẽ gọt giũa, chải chuốt đến vết xước cuối cùng.

Giá anh không bị vùi vào trong cái luận án chết tiệt hiện tại, đồng lương cán bộ sẽ nguyên vẹn, để chị được nghỉ ngơi đôi bữa trong tuần mà dạy dỗ con cái. Giờ vẫn đang là mùa hè, cu Rơm chưa tới trường, vậy là cả ngày nó ở nhà một mình, thoả sức chơi bời, ngang bướng và nói tục.

° ° °
Xem thời sự xong, anh thấy thằng bé còn quá bận rộn với mớ nắp bia và mấy thứ đồ nhựa nhặt ở đâu đó. Anh đã có dặn nó nhiều lần là không được lượm thứ gì ngoài đường; không được chạm vào thứ gì trong nhà người ta. Chính vì có lần chị chở nó xuống chỗ người quen, đã phát hiện nó trộm tờ bạc lẻ trên tủ cho vào túi. Lần đó về, chị đánh bằng roi tre rất đau. Anh có tới can và bảo nó đứng lại ngay ngắn trước mặt, giáo huấn nhẹ nhàng. Mai, lúc đi, anh vờ quên hai tờ năm trăm ở góc chiếu rồi ra sân bảo nó vào chép bài. Trưa về, thấy không còn, hỏi, nó lắc đầu, nét mặt câng câng lắm, anh chỉ muốn bợp tai. Chợt nghĩ sao mình thật phi lí. Trước mặt anh đâu phải kẻ thù…

– Rơm lần sau đừng hư thế nữa. Nếu ai quên tiền thì Rơm cất rồi sau nói với chú với mẹ, đừng thu thu giấu giấu mà thành quen. Quen rồi thì tới mô cũng muốn lấy cắp của người khác. Ai cũng ghét thằng ăn cắp cả, thấy là họ tránh mặt, họ đuổi khỏi nhà… Rơm hiểu không?