Ngồi xuống ghế, tôi tiện tay bốc một nhúm snack và liếc qua bộ phim kia một chút. Sợ bị Ngân bảo là thờ ơ với nghệ thuật thôi, chứ đương nhiên tôi không ham những thể loại phim như thế này.

“SÚP CAY” – hai chữ ấy tự dưng khiến tôi dán mắt vào màn hình.

“Cái tên không phải rất lạ sao?

Chỉ là súp cay, súp có vị cay

Ngoài ra chẳng có gì khác…” *

Tôi nhớ mang máng, Việt Nam mình cũng có món tên rất giống. Mất một chốc tôi mới nghĩ ra cái tên bánh cay. Những viên bánh tròn vo, to bằng viên bi cối, ngòn ngọt, thơm hương củ mì và nóng nồng hơi ớt. Buổi chiều lạnh lẽo của nước Mỹ thật khiến người ta ước ao được nhấm nháp chút gì đó cay cay cho ấm người. Nhấc nhác nhớ về món bánh vỉa hè, một chút gì đó về Mai Anh cũng theo về trong tôi ngơ ngác.

Tôi nhớ tiếng rồm rộp khi ăn bánh cay nóng giòn và những câu nói của Mai Anh, lẫn trong tiếng hít hà: “Ăn bánh cay giải cảm cực tốt đấy! Cay nức mũi đấy, rát rì cả họng đấy, nhưng hàn độc sẽ trôi tuột hết ra ngoài. Khỏe luôn!” Mai Anh nói cứ như bí kíp gì trong tiểu thuyết Kim Dung làm tôi cười khùng khục không ngớt. Giờ vẫn thế, lướt qua một chút cũng đủ làm tôi cười nhập nhạng như gã điên.

Cô bạn trong nỗi nhớ ngơ ngác, bật ra như lò xo trong trí óc tôi cách đây năm giây là bạn học chung ở lớp tiếng Anh. Tôi vẫn còn nhớ như in, buổi đầu tiên, Mai Anh vào lớp muộn, nhắm bàn tôi đang ngồi mà thẳng tiến, cô bạn nhìn tôi, vẻ mặt khẩn khoản, mong tôi dịch vào một xíu để có chỗ ngồi tạm. Những buổi kế tiếp, mọi người ở lớp có xu hướng đóng đô một chỗ nên chúng tôi cứ thế mà ngồi chung rồi làm quen với nhau. Lúc ấy, chưa biết tên, tôi ngầm đặt biệt hiệu cho Mai Anh là “cô bạn tất bật”.

Khóa học kéo dài sáu tháng, ngày nào cũng ngập bài tập và đề kiểm tra thử, gần như những gì tôi biết về Mai Anh chỉ gói trong các kĩ năng ngoại ngữ. Mai Anh phát âm cực chuẩn, có những bài luận trau chuốt, đầy ý tưởng lạ. Đến ngày sang Mỹ, tôi đinh ninh Mai Anh cũng đã đến một chân trời nào đó. Về sau, gặp nhau trên mạng mới biết là cô ấy vẫn ở lại Việt Nam. Lí do gì thì tôi không rõ.

Ngày học chung, tôi đã ấn tượng với cô bạn rồi, sau này càng ngạc nhiên nhiều hơn. Vì điều gì nhỉ? Nhiều điều lắm! Lần gần đây nhất là khi online đêm, bất chợt tôi đọc được những dòng cô ấy viết: “Tình yêu như việc nấu chín rau quả. Thoạt trông có vẻ ngon nhưng nấu lên rồi mới hiểu màu và vị thật sự như thế nào. Có thứ rau xanh ngằn ngặt, mùi hăng hắc vậy mà nấu ra thứ nước ngọt lạ. Còn có loại trông ngon mắt bao nhiêu, nấu lên lại có vị khó nhấm vô cùng. Cứ phải qua một cơn sôi lửa, thật hư mới tỏ tường…”

Tôi bình luận tủn mủn vài chữ: “Tâm trạng thế?”

Một lúc sau, Mai Anh trả lời, cũng rất gọn: “Thèm ăn bánh cay với cậu giống ngày xưa.”

À, lần ấy, cô bạn cũng nhắc đến món bánh này. Chúng tôi có duyên nợ nhờ món bánh này thì phải. Thực ra, ngày còn đi học hay lúc đọc được những dòng tâm sự kia, tôi còn mù mờ về tâm trạng con gái lắm. Nhưng hình như hôm nay đã có chút tỏ tường. Tôi nghe nói có những cô gái ngầm nghĩ về đồ ăn khi buồn, ăn thật nhiều, thật cay khi buồn. Chắc chắn không phải riêng trong tiểu thuyết và phim truyền hình, có phổ biến ngoài đời thì mới được nhà văn để ý vậy chứ. Tôi đoán Mai Anh cũng là một cô gái như thế. Quả là lớn tướng nhưng đầu óc tôi chẳng có tinh tường gì. Những gói bánh cay ngày xưa thật giỏi giữ im lặng.

Ngân coi hết phim, chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm một lúc và cùng chơi một ván cờ vua, tôi thua vì không tập trung. Ngân phải đi sớm cho kịp giờ làm thêm, thế là chúng tôi tạm biệt nhau. Trên đường về, câu chuyện về bánh cay, súp cay và Mai Anh vẫn quẩn quanh trong đầu. Không phải đã xa lắm rồi sao? Uhm, chắc là thế, một thoáng nghĩ ngợi mà thôi!

*

Lại thêm vài tờ A4 bị vo viên cho vào sọt rác, tôi lại chẳng nghĩ ra được cái gì hay ho. Bài vẽ của tôi đang bế tắc như cuộc sống của tôi dạo gần đây: đứt gãy, không thành hình, khô khốc, ì ạch. Bởi khí trời Sài Gòn hanh hao nên lòng tôi cũng ránh ráo nốt. Nhiều khi, đúng là “tôi buồn mà không hiểu vì sao tôi buồn”, lời mỉa mai cho những gì đã qua, chát đắng cho hiện tại trống rỗng. Điện thoại lăn lóc ở góc giá sách, màn hình đen ngòm vì đã hết pin từ trưa, nhớ ra chiều nay phải đi học, tôi o ép cắm sạc. Máy bật, tôi nhận được tin nhắn từ một số lạ. Đắn đo một lúc rồi tôi cũng xem. Là Hoàng! Thật bất ngờ khi nhận được tin nhắn của cậu ấy! Hoàng mới về Việt Nam được hai ngày và… nhắn tin hẹn tôi một bữa cà phê hội ngộ, không quên tái bút: “Có thể chuyển sang ăn bánh cay nếu cậu muốn!”. Nhiều khi, dẫu đang buồn thì người ta cũng có thể chuyển sang vui vu vơ rất nhanh. Tin nhắn của Hoàng làm tôi loanh quanh cười một mình cả buổi chiều.