Vì thế lẽ ra khoảng nhọ mặt người thì ra đến đường đá, nhưng cái đất vừa trơn vừa dẻo quánh đã níu tôi với chiếc xe đạp trầy trật mãi trên quãng đường lâm nghiệp đắp vội chạy dọc thượng nguồn sông Giăng.
Trời tối ụp. Trăng rừng mơ mơ. Gió sông tai tái. Tôi bấm đèn pin, cứ đi như người vô định, lòng rười rượi buồn tự trách mình đã quá chủ quan không tính trước những gì có thể xảy ra dọc đường.
– Ai?
Một tiếng kêu nửa hoảng hốt nửa vui mừng làm tôi dừng phắt lại. Một người đàn ông gần như nhảy chồm tới, giọng đầy hồi hộp pha chút nịnh hót:
– Chào đồng chí. Đồng chí về đâu mà lặn lội tối tăm thế? Có đèn pin nhỉ? Khốn khổ cho bọn tôi quá đồng chí à. Mình đã không thạo đường lại hỏi phải một thằng cha gà mờ nên mới chết dở thế này. Đồng chí “hi sinh” cho mượn đèn bấm tí nhá. Chữa xong xe, ta cùng về.
Tôi không kịp trả lời, trao chiếc đèn pin qua tay người lái. Tình cảnh quả là nghiệt ngã; chiếc xe con chết máy nằm giữa núi đồi tối mịt, có trời mới biết nó hư hỏng bộ phận nào!
Thoáng trong ánh đèn le lói, tôi thấy hai người đang ngồi thu lu im lặng trong xe. Lát sau, người cao lớn mở cửa khom lưng bước ra. Anh ta đến ngồi xổm bên vệ đường thản nhiên châm thuốc lá hút, bực bội phẩy tay rất mạnh cho bật lửa tắt phụt. Đoạn hắng giọng, nói:
– Nhỡ hết công việc ở tòa soạn sắp tới chứ chả chơi!
Tôi bấm đèn pin soi cho anh lái cúi gập người chúi đầu vào máy đã chống nắp ca-bô lên, sờ mò, tìm tòi. Lòng tôi hồi hộp không kém những người bạn đường chưa quen biết. Hy vọng máy móc không có gì hư hỏng nặng, chỉ sửa chữa chốc lát là lại có thể tiếp tục lên đường.
– Thùy Dương! Thùy Dương không ngủ đấy chứ? Ra ngoài này ngồi cho mát – Người đàn ông cao lớn thò đầu vào xe, gọi khe khẽ.
Tiếng sột soạt của áo vải ni-lông, tiếp theo là một tiếng reo nhỏ, êm mượt:
– Ôi tôi thật chán quá! Các anh lo sửa xe, còn tôi thế là thiếp đi mất! Chào anh, anh ở đâu đến giúp chúng tôi thế?
Người đàn bà không trông rõ mặt đến sát bên chúng tôi một cách tin cẩn, gật đầu chào tôi. Hơi thở của chị nóng hổi bên tai, cả mấy sợi tóc lòa xòa cọ vào gáy bên trái tôi buồn buồn, mê mê. Chắc chắn không phải chị xức nước hoa, nhưng một làn hương khó tả phả ra từ dáng vẻ và giọng nói của chị.
– Có hy vọng gì không các anh? Hẳn anh thông thạo về cơ điện, nhỉ?
– Trái lại, chị ạ. Tôi chỉ là một người thiếu đầu óc tính toán trước. Còn một điều may là tôi đã mang theo đèn pin!
Chị ta khẽ khàng cười sau câu trả lời của tôi. Như một bà chủ ý thức đầy đủ quyền lực nữ giới của mình, chị đến bên vệ đường nói một cách kiêu kỳ:
– Anh Thanh Nguyễn thân mến, cái việc tư duy cho bài báo sắp tới của anh hãy tạm xếp lại đã. Còn bây giờ anh phải biết xấu hổ để xắn tay áo lên cùng làm với các anh ấy chứ!
Anh phóng viên đứng dậy, xòe hai tay:
– Ồ Thùy Dương! Tôi đâu có thông thạo điện cơ. Tuy nhiên tôi cũng… có thể…
– Thế anh thông thạo cái gì?
– Tôi ấy à? Tôi thuộc diện người có nhiều lập luận và phán đoán chính xác việc gì sẽ xảy ra. Nghề nghiệp mà!
– Có thể cho ví dụ chăng? – Người phụ nữ hỏi.
Chắc là trong đêm tối, một nụ cười tuyệt đẹp của chị đã nở. Không biết vì sao mà xưa nay tôi vẫn cho người phụ nữ đẹp nhất ở vào hai trường hợp: lúc quài tay ra sau gáy trễ tràng búi tóc và lúc giễu cợt mỉm cười. Bất giác tôi cũng mỉm cười theo, nghĩ thầm: “Đáng kiếp cho ông nhà báo!”. Dĩ nhiên vẻ mặt đắc thắng của tôi giờ đây chẳng đẹp đẽ tí nào!
Thanh Nguyễn bỗng phá ra cười dài như chưa từng có lúc nào anh thích thú bằng. Khó có thể nghe một tràng cười như vậy ở những người mà cuộc đời gặp ít thành đạt.
– Ví dụ thì thiếu gì cô Thùy Dương! Này nhé, nếu tôi không nhầm, giờ đây trong đầu cô đang xoáy tròn sự tự đối thoại: “Có? Không! Không thật chứ? À… cơ mà cũng có thể có…!”. Chính xác chứ, đồng chí kỹ sư?
Thùy Dương ném thia lia một hòn sỏi nhỏ trên mặt đường, giọng bỗng đượm buồn:
– Anh quả là một con người quá tự tin. Sự tự tin quá mức chỉ dẫn đến thất bại. Tôi có quyền nổi giận vì sự đoán mò của anh. Nhưng thôi…
– Thùy Dương cứ nổi giận cũng được. Sự nổi giận của một người phụ nữ tuyệt vời như Dương không phải bao giờ cũng báo hiệu một điều không tốt đẹp!
– Tán vừa chứ ông – Thùy Dương phì cười – Thôi được, tôi trừ vào cái khoản cám ơn về sự giúp đỡ đưa tôi đi chuyến này. Nếu không có ô tô của anh thì không biết mấy ngày nữa tôi mới hoàn thiện được sự kiểm định hệ thống cột mốc trắc địa trong bản đồ mới của tôi.
– Đó là luận án sắp bảo vệ của Dương?
– Vâng!
Người lái xe bảo tôi tắt đèn pin. Anh chùi tay, thở dài thất vọng:
– Bộ chia điện hỏng, không thể chữa được. Đành nằm lại thôi. Xúi quẩy quá!
Thùy Dương thích thú:
– Ngủ giữa rừng núi mênh mông! Cũng có cái thơ mộng của nó!
Thanh Nguyễn gạt đi:
– Dù sao tôi cũng là chủ của chuyến đi này. Tôi thấy mình có trách nhiệm bảo đảm an toàn, đi đến nơi về đến chốn cho mọi người. Đúng thế chứ, ông bạn đồng hành? – Anh quay qua hỏi tôi.
Tôi sực nhớ ra:
– Bây giờ thế này nhé. Gần đây, khoảng dăm cây số thôi, tôi có một người bạn cũ. Anh ta là bộ đội chuyển ngành, làm nghề đo nước. Đã lâu tôi không gặp, không biết bây giờ anh ta ra sao, song chắc chắn là còn ở đó. Tính tình anh ta khoáng đạt, cuộc sống chắc dễ chịu…
Cuộc bàn bạc sắp xếp khá chóng vánh. Người lái xe ở lại, đến nơi tôi sẽ bảo bạn tôi liên hệ với địa phương nhờ dân quân tuần phòng bảo vệ xe. Ngày mai – theo kế hoạch của Thanh Nguyễn vạch – có chiếc xe nào chạy cùng chiều qua thì nhờ họ kéo thẳng về Vinh vào xưởng sửa chữa; xong vào huyện ủy Can Lộc đón hai phóng viên cùng tổ anh đang công tác ở đó. Chậm nhất là sáng ngày kia, anh và Thùy Dương sẽ có mặt ở khách sạn Quang Trung, Vinh. Nếu không có gì trở ngại nữa thì chiều hôm sau đó có thể về đến Hà Nội…
Đêm hôm đó chúng tôi không đến được nhà người đo nước. Dọc đường, chúng tôi gặp một ông già vạm vỡ tay cầm gậy lưng thắt dao vỏ gỗ. Ông là trưởng công an xã. Sau khi hỏi han xem xét giấy tờ, ông mời chúng tôi về nhà ông nghỉ cho gần. Vả lại, người đo nước… ông ngập ngừng không nói hết câu.
Tôi hỏi: