Gọi là nghiệp chướng vì thực ra nếu thiếu những bức tranh của hắn thì vẫn còn vô số những bức tranh khác cũng do những kẻ mang nghiệp chướng và tự nhận bổn phận như hắn tạo nên. Và giả sử rằng trên đời không có hoạ sĩ, không có các bức tranh thì người có đôi mắt tinh tường vẫn say mê chiêm ngưỡng bao nhiêu là cái đẹp mà tạo hoá đã vô cùng hào phóng tạo ra. Từ đó, có thể nêu lên một câu hỏi: “Đời có cần những bức tranh và những hoạ sĩ hay không?”. Có thể cần, có thể không. Nhưng hắn đã nhất quyết phải trở thành hoạ sĩ để gánh lấy bổn phận không ai trao và cái nghiệp chướng mà cha mẹ hắn chắc cũng chẳng muốn con mình dính vào. Đầu tiên, hắn tự làm khổ mình!

Tuy cha mẹ hắn không muốn con dính vào nghiệp chướng nhưng vì chiều con nên khi hắn thi đậu vào trường Đại học Nghệ thuật Huế thì họ đành tặc lưỡi, tiếp tục còng lưng vắt mồ hôi kiếm tiền nuôi thằng con ấp ủ mộng thiên tài.
Để đến được cái đỉnh thiên tài, chắc hắn phải đi mòn hàng vạn đôi giày mơ ước, vắt hàng muôn ức chiếc áo đẫm mồ hôi, sải hàng triệu bước chân cuồng si và bấu đến bật máu hàng ngàn lần móng tay tróc rồi lại mọc để trèo lên, vượt qua những vách đá định kiến về Cái Đẹp. Nghĩa là hắn vừa làm khổ mình vừa làm khổ cha mẹ mình và tất cả những ai yêu thương, lo toan cho hắn!
Chưa đủ, hắn lại lăm le và cuối cùng thực hiện chuyện để tóc dài. Nhìn sau lưng hoặc nhìn nghiêng, nếu không có bộ ria mép lởm chởm và mấy sợi râu cằm lơ thơ, khối người dễ nhầm hắn là thiếu nữ ngọt xanh như đọt su su đầu vụ ở xứ này. Đã có những anh chàng măng tơ tuổi nhưng đá cuội tình tang nhầm tưởng như vậy và lẽo đẽo theo sau hắn để ngắm, để tán tỉnh và lăm le luộc sống con mồi non, cho đến khi nhìn thấy bộ ria mép mới chưng hửng rút lui. Thế là hắn làm khổ những kẻ có đôi mắt lé!

Với người thường, núi là núi, sương là sương. Với hắn, núi không chỉ là cây, lá, đá, hoa; không chỉ là biểu tượng của sự vững chãi, đức thanh cao, đỉnh cao trí tuệ, đại biểu của lòng nhân như những người mê Đạo học. Núi không chỉ là cơn nổi giận trào phun rồi lạnh lùng tạo kết của nham thạch, cú nhăn mặt xô đẩy đầy dồn nén hờn ghen của vỏ Trái Đất như cách nhìn của các nhà địa chất học. Là hoạ sĩ, hắn có cách nhìn khác người, khác cả chính hắn lúc buồn, lúc vui.

Hắn đứng bên cửa sổ nhìn ra mặt đồi. Người dân Vĩnh Yên lên đây cày ải, đào đắp, xẻ cắt mặt đồi làm thành những mảnh vườn nho nhỏ, những luống rau xanh xanh, nom như những ruộng lúa bậc thang ở miền Tây Bắc, ai cũng thấy vậy. Để kiếm được mỗi ngày ba, bốn chục ngàn đồng, người dân Vĩnh Yên phải đi bộ hơn hai chục cây số từ ngoại ô thành phố lên đây vào lúc hai, ba giờ sáng cho đến khi tối mịt mới về nhà. Không mấy ai trong số khách lên đây biết vậy. Họ chỉ biết khen đọt su su xào thịt bò rất ngon, luộc ăn rất ngọt và thầm chê giá quá đắt, đắt thấu trời! Hắn lại nhìn mặt đồi theo cách khác và reo lên: “Ồ! Những nếp nhăn vô trật tự thời gian!”. Đó là những nếp tất bật lo toan cuộc sống của người dân nghèo. Và mặt đồi cũng là chính là khuôn mặt đầy nếp nhăn trước tuổi của người nông dân!
Khi hắn nói như vậy, những người chỉ biết thưởng thức cái ngon, cái khác lạ với cái thường ngày bỗng cảm thấy áy náy vì sự vô tâm có phần ích kỷ của mình. Thế là hắn làm khổ những người mới quen biết hắn, những người chưa kịp cảm được nỗi khổ của người dân nơi đây!

Đoàn đi dự Trại sáng tác của Hội có mười lăm người, gồm hội viên của hầu hết các chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu và Nhiếp ảnh. Khi lên đây, có những người lần đầu gặp nhau. Thế là họ làm quen bằng cách rủ nhau đi ngắm núi đồi. Họ tách ra từng nhóm, tuỳ theo sự lựa chọn có phần cảm tính những ai hợp tạng với mình.
Hắn đi với một nhóm nhỏ. Và trong khi mọi người đang say sưa ngắm các ngôi nhà chen chúc nhau ở dưới đồi, bên sườn đồi, ở lưng chừng đồi… mà khi mới lên, không ai nghĩ ngọn đồi nhỏ phủ đặc sương mù lại chật ních nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ăn uống như vậy… thì hắn bỗng reo lên: “A! Vòng cung ánh sáng!…

Mọi người đổ xô tới, nhìn theo ánh mắt của hắn. Bên dưới ngọn đồi và bên sườn hai ngọn đồi lân cận đang ngập chìm trong biển sương mù xám xịt bỗng ánh lên một dải sáng trắng, đẹp như Bắc Cực Quang. Dải sáng hình vòng cung, lượn quanh sườn và chân ba ngọn đồi, tạo nên giữa bầu trời chiều âm u một cảnh tượng huy hoàng rực rỡ. Đẹp sững sờ!
Những chiếc máy ảnh lập tức được rút ra, được giơ lên. Còn hắn… hắn biến đi đâu mất. Hắn sẽ làm khổ những ai đây?

Khi tôi chạy băng từ lưng chừng ngọn đồi xuống chỗ mà tôi nhận thấy như là chỗ thấp nhất của vòng cung ánh sáng thì tôi gặp nàng.
Nàng đột ngột hiện ra giữa vòng cung ánh sáng. Và tôi ngờ rằng nàng đã đứng đó đợi tôi từ lâu lắm rồi. Có thể từ kiếp trước.
Khuôn mặt nàng đẫm đầy sương. Hay chính sương rừng như sữa đã đọng thành khuôn mặt nàng. Mái tóc không bợn chút thời trang, nguyên sơ như chùm lá thuỷ tùng. Đôi mắt trong veo như mắt chú sóc con trên cành cây trước ngõ nhà sáng tác vẫn thường tinh nghịch nhìn tôi mỗi sáng tinh mơ trước khi lẫn vào hốc.

Nàng ước độ mười tám tuổi nhưng cái miệng vừa mím vừa cười lại hé lộ ước ao của tuổi lên mười chưa một lần rời ngõ vắng, còn đôi má là hiện thân của một búp hồng ấp ủ khát khao ngày hé nụ. Tôi cộng tất cả lại, lấy trung bình tuổi của nàng là Tuổi Đang Mơ.