Đây là lần thứ hai Tuyên đi tàu. Lần đầu tiên là khi cô vẫn còn nhỏ lắm, cùng với mẹ trên chuyến tàu Sài Gòn – Hà Nội ra “thăm” bác ruột. Và cô ở Hà Nội kể từ đó cho đến giờ, còn mẹ cô không rõ đã đi đâu. Khi ấy cô còn quá bé để nhớ lại mọi chuyện, chỉ nhớ rằng cô lớn lên được như ngày hôm nay nhờ phần lớn vào công nuôi dưỡng của hai bác, đôi khi là sự quan tâm của anh Minh – con trai bác.

***

Cô biết mình không có cha. Chẳng phải do nghe ai xì xầm bàn tán, cũng chẳng phải do cô bị bạn bè trêu chọc. Ở đây, cô có một cuộc sống tốt hết mức có thể và ai cũng tránh nhắc đến những từ được cho là “nhạy cảm”, những từ được cho là sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của cô. Cô cũng chưa từng hỏi ai về điều này, chì là đủ khôn lớn để nhớ lại rằng từ cái ngày xa lơ xa lắc lúc còn ở với mẹ đã chẳng có khi nào cô được biết mặt cha, chỉ là đủ thông minh để nhận ra trong tờ giấy khai sinh khi nộp hồ sơ nhập học, phần tên cha bị bỏ trống. Chẳng phải ngẫu nhiên người ta đặt phần tên cha và tên mẹ ngang nhau, bằng nhau. Để khi khuyết một phần nào đó rồi, người ta nhìn vào và thấy trống trải, hụt hẫng ghê gớm.

Nhiều khi Tuyên đã quá quen với cuộc sống ở đây đến mức coi hai bác như cha mẹ của mình và sau khi tan học cũng vội về nhà vì mọi người đang đợi. Phải rồi. Hai bác yêu Tuyên như con gái, chưa bao giờ làm Tuyên phải chạnh lòng về chuyện gì. Người ngoài nhìn vào chắc hẳn phải nghĩ rằng Tuyên là con ruột khi nhìn bác gái âu yếm chọn cho cô chiếc váy điệu đà, khi nhìn bác trai vật lộn giữa trưa nắng với cái xe đạp để chiều cô có xe kịp đến buổi học. Thế nhưng Tuyên chưa bao giờ gọi hai bác là cha, mẹ, bởi lẽ với cô, ẩn sâu trong hai từ đó còn có một ý nghĩa ruột thịt, một ý nghĩa thiêng liêng lắm mà cô chưa bao giờ dám nhắc đến. Những kí ức nhạt nhòa về hình ảnh của mẹ tay xách bị, tay nắm chặt tay Tuyên dắt cô lên chuyến tàu dài dằng dặc ấy có lẽ vĩnh viễn cô sẽ chẳng bao giờ quên được.

***

Giờ Tuyên đã là một thiếu nữ hai mươi hai tuổi, vừa kết thúc 4 năm đại học với tấm bằng đỏ chói trong tay. Ngày tốt nghiệp hai bác đến chia vui, lúc đưa cho Tuyên bó hoa, ôm cô vào lòng, bất chợt bác gái nói:

– Làm con gái bác nhé!

Tuyên im lặng.

Cô đã lớn từng này rồi, nhưng số năm sống bên mẹ có lẽ chỉ tính bằng một phần rất nhỏ số tuổi của cô. Và trong đằng đẵng ngần ấy năm, cũng đã có những người bạn trai ngỏ lời, cũng có những người xa xôi, có những người Tuyên cũng đã từng mong sẽ được gần gũi… Nhưng chưa một lần Tuyên nhận lời, chính bởi cái mặc cảm ấy. Cái mặc cảm “bị cha mẹ bỏ rơi”.

Thì từ trước đến giờ, Tuyên đâu có khác gì con gái hai bác. Nhưng nếu làm con gái thực sự sẽ khác, sẽ có những giấy tờ thủ tục khác, cách xưng hô cũng khác, và cuộc sống có lẽ cũng mơi hơn rất nhiều. Mà hình như Tuyên vẫn đang chờ đợi một điều gì đó, như cô đã chờ đợi mười tám năm nay, chờ đợi những tiếng yêu thương được cất lên từ đáy lòng với những con người mà cho dù đã bỏ rơi cô nhưng cô vẫn chẳng thể nào ghét bỏ.

***

Những ngày này, sự quan tâm của hai bác dành cho Tuyên nhiều hơn khiến nhiều lúc cô có cảm giác rằng mọi người đang cố gắng bù đắp cho những thiếu hụt trong cuộc sống tình cảm của cô. Hai bác tổ chức cho cả nhà những chuyến du lịch dài ngày, đưa Tuyên đi mua sắm, cho Tuyên đi tập đàn, tập Yoga. Dường như thời gian ở nhà của Tuyên còn ít hơn trước đây, lúc cô vẫn còn học đại học. Lý do hai bác chưa cho cô đi làm là vì muốn cho cô thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu bước vào cuộc sống khác. Tuyên nghe lời hai bác, như trước nay vẫn vậy.

Thế rồi đến cuối tuần trước, khi bác lại bảo đăng kí cho Tuyên lớp học nấu ăn, Tuyên mới cảm thấy như việc mỗi ngày chỉ còn vài tiếng trở về nhà để gặp hai bác, vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ ấy có gì đó khó hiểu. Gặng hỏi mãi, cuối cùng bác gái mới trầm ngâm:

– Mẹ con về tìm con đó…

Cô lặng người… Đã gần 20 năm trôi qua, nhiều lúc cô nhớ mẹ đến quay quắt cho dù trong trí óc cô, những hình ảnh về mẹ chỉ còn lại rất nhạt nhòa, chỉ tìm đến cô trong những cơn mộng mị triền miên lúc nhỏ và thưa thớt dần khi lớn lên. Đã có lúc cô khao khát gọi tiếng mẹ thân thương biết nhường nào, khao khát ôm mẹ vào lòng mà kể lể bao chuyện hằng ngày. Cô không biết mặt cha, từ khi sinh ra. Thế nên từ “bố” không có nhiều trong suy nghĩ của cô. Nhưng mẹ đã dứt ruột đẻ ra cô, đã nuôi nấng cô bốn năm, bốn năm ấy dù ngắn sao có thể coi như không có. Trái tim cô nữa như reo vui, rồi như đứt đoạn.

Mẹ tìm cô để làm gì? Hai bác coi cô như con, nếu cô bỏ hai bác để về sống với mẹ thì gia đình chắc hẳn sẽ buồn lắm. Còn nếu mẹ không định đưa cô theo, chỉ muốn biết giờ cô sống ra sao thì sao? Nhỡ mẹ đã có gia đình mới, có những đứa con xinh đẹp thì sao? Vì sao ngày xưa mẹ lại bỏ mình… Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu cô, bỗng chốc biến những nhớ thương, những dỗi hờn lo lắng thành hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Cô bỏ về phòng, bỏ bữa cơm, cũng không dám hỏi bác…

Để giờ đây, cô đang ngồi trên con tàu đi ra biển. Tuyên bảo với hai bác rằng mình mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi. Hai bác chẳng cản. Trước khi đi bác gái ôm chặt cô vào lòng, nói:

– Con có đi đến bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào thì nơi vẫn là nhà của con, con vẫn là con gái của hai bác….

Không hiểu sao cô có cảm giác sau chuyến đi này, sẽ có rất nhiều chuyện xảy ra và nhiều thứ thay đổi…

Những ngày ở biển, Tuyên không đi chơi nhiều. Phần lớn thời gian cô dành để ở trong phòng khách sạn đóng kín cửa suy nghĩ. Cô không biết mình đang chạy trốn điều gì. Cô thậm chí còn chưa gặp mẹ, chưa biết ý định của mẹ. Cô sợ những biến cố lớn trong cuộc đời. Trái tim cô dường như đã lành lại hoàn sau vết sẹo bị bỏ rơi thời thơ bé, nhưng như thế không có nghĩa rằng cô sẽ lại sẵn sàng cho một vết sẹo mới, nếu như mẹ sẽ lại bỏ rơi cô…

Cô tắt điện thoại, không liên lạc về nhà dù biết rằng hai bác chắc đang lo phát điên và anh Minh sẽ lại chạy khắp nơi để hỏi tin tức về cô giống như những lần trước đây cô về nhà muộn do hỏng xe, hay nổi hứng hò hẹn với bạn bè. Gia đình bác đã là nhà của cô rồi và hai bác đã thay bố mẹ cô đóng vai trò của người cha, người mẹ… Rồi cô sẽ phải làm sao nếu mẹ đề nghị cô đi cùng… Nghĩ đến những vất vả của hai bác trong suốt nhiều năm qua, cô chợt lại thấy mắt mình ướt…