Lần đầu đến đây, tôi mới hai mươi mốt tuổi. Bạn cùng chiến trường với bố sau mười mấy năm mới gặp lại cứ nằng nặc mời cả nhà lên thăm trang trại. Buồn cười, khi đi, mẹ lo lên miền núi không có gì ăn bắt cả nhà nhét đầy hành lý nào mì gói, nào lương khô, nào bánh kẹo và cả nước uống nữa. Thế mà, ở đến ngày thứ hai thì mẹ nghiện điêu nghiện đứng đồ ăn dân tộc.

Trong khi bố sáng, trưa, chiều, tối toàn tụ tập bạn bè uống rượu với thịt trâu gác bếp thì hai mẹ con theo bác gái đổi món xoành xoạch hết bê sang bò, sang ếch, sang cá hồi hun khói. Thích nhất là rau cải mèo ở đây. Cây cải to, xanh mướt, luộc lên nước trong văn vắt, chỉ chấm với nước tương dằm trứng luộc mà tôi ăn hết cả đĩa to. Rồi thì hoa ban xào, hoa ban nấu canh, bữa nào cũng ăn mà không chán.

Ở lại có hai tuần mà da tôi mướt hẳn lên. Bác gái bảo con bé hợp khí hậu ở đây, cứ lên chơi thường xuyên thể nào cũng đi thi hoa hậu được. Lúc về, mẹ ngượng mãi mới dám dúi nhờ bác gái phân tán chỗ đồ khô cho mấy gia đình nghèo tận trong bản. Câu chuyện ấy giờ cả nhà vẫn nhớ, mỗi lần chuẩn bị hành lý đi đâu bố vẫn đùa: Mẹ mày có mang theo lương khô không đấy?

Tôi hai nhăm tuổi thì mặt mũi nhợt nhạt, đem theo duy nhất một cái vali nhỏ lên nhà bác lẩn trốn.
Cuộc tình với một người đàn ông đã có vợ kết thúc trong màn đánh ghen ầm ĩ ở ngay trường tôi dạy, trước mặt các học sinh của tôi. Xấu hổ, ê chề, tôi làm đơn xin nghỉ việc ngay ngày hôm sau và khăn gói đi Mộc Châu.

Tôi khóc không ra nước mắt khi bác gái hỏi thăm chuyện tình cảm. Biết ý, bà không nói gì, chỉ giúp tôi chuẩn bị phòng nghỉ và giục tôi đi tắm nước nóng. Những ngày sau, đi đâu bà cũng rủ tôi đi theo. Một buổi sáng, chúng tôi vào thăm bệnh cho con út một gia đình người Thái. Cả nhà đang quây quần quanh một rổ cà chua, xung quanh là lá bắp cải và một loại lá gì màu vàng xanh tôi không biết tên. Nước miếng tôi ứa ra đầy khoang miệng. Và không kịp chờ được mời đến lần thứ hai, tôi đã sà xuống nhặt mấy quả nhai rau ráu.

Họ dạy tôi cuốn nhót xanh trong lá bắp cải và chấm vào bát chẳm chéo – một loại muối chấm rất đặc biệt của người Thái. Sản phẩm làm nên chẳm chéo gồm có: ớt nướng, tỏi cô đơn Yên Châu, lá chanh, hạt mắc khén và muối. Đây là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái. Nó có thể dùng để chấm thịt lợn, thịt gà, chấm rau, chấm xôi, chấm các loại quả chua như: nhót, mận, xoài, mơ và sim…

Tôi ăn như người chết đói, trong cái nhìn đầy nghi ngại của bác gái. Trên đường về, bác hỏi rất khẽ:

– Con có bầu phải không?

Tôi giật mình như bỏng nước sôi, đờ ra mất mấy phút. Đến khi kịp nghĩ ra chu kỳ đã chậm gần một tháng thì sợ đến vã mồ hôi lạnh. Vừa tủi, vừa thương thân, tôi òa khóc như một đứa trẻ. Bác gái ôm chặt lấy tôi vỗ về. Đợi đến khi tôi bắt đầu lấy lại hồn phách, bà lại hỏi một câu như trời giáng:

– Nếu có thật thì con làm thế nào?

Làm thế nào đây? Với đứa con không mong đợi của tôi? Đầu óc tôi chỉ mòng mòng một màu đen kịt, và cứ thế, tôi thập thõm đi về theo sự dẫn dắt của bác. Với kinh nghiệm của một y tá và với sự từng trải của một bà mẹ, bác sắc cho tôi một bát nước đen đen. Tôi uống nước lẫn với nước mắt. Tôi khóc cho giọt máu chưa kịp thành hình của tôi. Khóc cho tuổi trẻ dại dột của tôi. Khóc cho cả con tim tan nát đang thắt lên từng hồi trong ngực tôi. Bác gái hỏi tôi có muốn nói chuyện này cho mẹ không? Tôi lắc đầu bảo đến khi khỏe cháu sẽ tự nói. Đến tận bây giờ, mẹ tôi vẫn không thể biết tôi đã từng phải bỏ đi giọt máu đầu tiên của đời mình. Nó đau đớn hệt như ta tự cầm dao xẻo đi từng miếng thịt của mình vậy. Máu cứ chảy mãi không ngừng, và vết thương không bao giờ liền sẹo.

Vì cái bí mật đau đơn ấy, giữa tôi và bác gái hình thành một thứ tình cảm gắn bó, giống như tình ruột thịt vậy. Giờ đây, tôi về Mộc Châu, cũng giống như về nhà của mình.

Ngã vào lưới tình, Bạn trẻ – Cuộc sống, Tinh yeu, chuyen tinh yeu, chuyen tinh moc chau, ban tre, gioi tre, tinh yeu, ban tre, hanh phuc, yeu thuong, luoi tinh, hanh phuc, bao

Hôm qua, nghe dự báo thời tiết, ở Hà Nội đang nóng đến 40 độ C. Tại đây, buổi tối ngủ tôi vẫn phải đắp chăn dạ mỏng. Người ta ví Mộc Châu như Đà Lạt thứ hai cũng không ngoa. Đám hoa chuông năm ngoái tôi vãi hạt ở cuối vườn, hết mùa lụi đi, năm nay lại tự mọc bằng hạt của nó rụng xuống đất. Tôi nhớ không nhầm, năm ngoái làm gì có màu vàng chanh, năm nay tự nhiên giữa những trắng, hồng, tím lại lạc loài một chùm màu vàng chanh. Đang loay hoay với cái máy ảnh thì tôi nghe một cảnh cáo lạnh lẽo:

– Cô xéo nát hết đám dâu giống rồi đấy!

Giật mình quay lại, tôi thấy một khuôn mặt phong trần rất đẹp, chỉ có đôi mắt là đáng sợ: nhỏ, sắc và đang gườm gườm nhìn tôi.

– Xin lỗi, tại cây chưa lên, tôi tưởng đất trống!

– Biết rồi thì tránh chỗ này ra. Cây giống mua từ Nhật, không phải loại vãi xuống đất là lên đâu!

Tôi vừa ngượng vừa tức. Đã xin lỗi rồi còn đay đả. Đàn ông đàn ang gì mà nhỏ mọn. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng lặng lẽ rời đi. Thẳng tiến vào bếp của bác gái.

– Con hỏi thằng Nguyên hả? Bác quên chưa nói: Nó mới nhận lời bác trai về đây. Giỏi lắm đấy!

Tôi vừa cắm cúi giã chẳm chéo vừa ngấm ngầm phản đối sự xuất hiện của Nguyên. Sao anh ta không chờ đến lúc tôi quay trở lại Hà Nội hãy đến? Ý nghĩ này bám riết lấy tôi cứ như Mộc Châu là của riêng tôi vậy. Vô lý thật!

Sáng hôm sau, tôi lại phát hiện ở góc vườn của bác có một cây phượng tím bắt đầu trổ hoa. Tôi hí hửng lôi theo máy ảnh bon ra vườn. Còn không quên nhìn trước ngó sau xem xung quanh có đám đất nào “khả nghi” đang ươm cây giống hay không.

Đất phẳng lỳ, cỏ dại còn mọc lất phất xung quanh. Tôi yên tâm căn chỉnh độ nét và ánh sáng. Hết chụp hoa trên trời lại dí ống kính xuống đất. Loanh quanh một hồi thì thấy một đôi giầy ba ta dính đất trong tầm ngắm của mình. Há miệng nhìn ra, lại là Nguyên, đang xỏ tay túi quần nhìn tôi. Lần này ánh mắt đã dịu đi nhiều.

– Hôm qua tôi làm cô giáo sợ à?

– … (cái đầu chậm chạp của tôi đang tìm lời đáp trả một cách thật cay cú!).

– Xin lỗi nhé! Tại đám cây giống của tôi đã từng bị mấy khách nữ thăm quan hành cho tơi tả rồi!

– … (Tôi càng cay cú, đuổi tiếp một câu sắc sảo trong óc).

– Cô giáo giận thật à?

– À, ừm! Cũng không có gì, nếu tôi trồng cây mà bị ai đó xéo nát, tôi cũng bực.

Chẳng hiểu sao lời nói của tôi lại phản bội những suy nghĩ bực dọc của tôi. Chắc do tôi là người cả nể. Cả nể cho nên sự dở dang. Buồn thế đấy!

Người kia được lời như cởi tấm lòng, thao thao một hồi về các giống dâu. Rằng, trước đây, bác tôi theo xu thế chung, trồng dâu Mỹ. Thực tế, giống dâu này cho năng suất không cao, ăn lại có vị chua. Khi anh về mới đề nghị bác chuyển qua dùng giống của Nhật, qua khảo sát, nó tỏ ra rất phù hợp với khí trời Mộc Châu, hơn nữa giống này ăn ngọt, quả mọng, cho năng suất cao. Anh ta còn nói thao thao gì đó về kỹ thuật trồng, về cách lấy bột đá vôi và phân dơi bón dâu để đảm bảo độ sạch theo tiêu chuẩn GAP thì đầu óc tôi chỉ còn lơ vơ với đĩa dâu dầm đường mát lạnh và sinh tố dâu thơm ngào ngạt mà quên bẵng còn lâu mới đến mùa.