Người ta nói con nít thì ngây thơ!

Ừ thì đúng rồi. Và người ta đôi khi cũng sợ những câu hỏi của con nít. Cũng đúng luôn. Tại sao vậy nhỉ? Vì có lúc những câu hỏi tưởng chừng như dễ ợt, trả lời cái rụp mà lại làm người lớn phải đắn đo suy nghĩ đến rụng vài sợi tóc. Tôi đã rơi vào trường hợp đó khi “bị” đứa em mới 5 tuổi hỏi: “Tại sao khi người lớn viết thì chữ ra màu xanh, màu đỏ, còn khi em viết thì chữ chỉ ra có một màu nâu thôi?” À, ra nó hỏi mình sao người lớn viết bằng bút bi banner, còn con nít như nó chỉ được viết bằng bút chì đây mà. Tôi giải thích xong thì bị nó vặn lại ngon ơ: tại sao người lớn được viết thứ bút nhiều màu đẹp như bút bi mà không viết bằng bút chì như tụi con nít?

Ừa ha, sao vậy ta? Nghĩ cũng ngộ ghê, sao mình không làm bài kiểm tra bằng bút chì, sao người ta không kí hợp đồng bằng bít chì, và tại sao một trong những quà tặng xa xỉ lại có mặt một cây bút bi hay bút mực, mà không là cây bút chì chuốt…? Câu hỏi đặt ra khá là nhiều và luôn có lời giải thích. Giải thích như thế này có thể được chấp nhận (vì nó quá đúng…): Bút chì dành cho con nít đang tập viết, dễ dàng bôi xóa. Còn người lớn viết bằng bút bi để tỏ rõ tính trang trọng. Bút chì chỉ được dùng khi viết nháp, muốn phác thảo ý tưởng, vì khi đó ta có thể chỉnh sửa. Nhưng khi muốn viết một cách hoàn chỉnh thì in bút bidịch vụ và là người bạn đắc lực. Phải suy nghĩ đắn đo khi đặt bút xuống viết nên người ta hay nói “bút sa gà chết” mà.Giải thích như thế thì đã phần nào thỏa mãn, nhưng với tôi, nó vẫn không đơn thuần là như thế.




Hồi nhỏ khi đi học, ta dùng bút chì và dễ dàng xóa đi được khi viết sai. Lớn hơn một tí, ta được làm quen với bút máy để rèn chữ và khó có thể bôi xóa hơn. Lên cấp Hai và hơn nữa, bút bi lại được sử dụng hết công suất vì tốc độ học nhanh và kiến thức nhiều hơn. Ta có thể dùng gôm xóa đi lỗi sai và viết lại khi viết bằng bút chì, nhưng cục gôm ấy vô tác dụng với bút bi. Cùng như khi là trẻ con, những lỗi lầm ta mắc phải có thể dễ dàng được tha thứ và làm lại từ đầu. Càng lớn, cuộc sống đòi hỏi ta phải biết suy nghĩ kĩ càng những gì mình sắp làm vì chúng ta không có cơ hội làm đi làm lại. Người ta có thể dễ dàng bỏ qua khi con nít làm sai. Nhưng người ta sẽ nghĩ sao khi một người trưởng thành mắc phải lỗi sai ấy? Người ta sẽ la mắng nếu chị kia khi chị nấu cơm khét, nhưng cô giáo có thể nào la một đứa bé 5 tuổi khi nó làm khét nồi cá kho bằng đồ hàng trong khi chơi trò chơi nấu ăn? Công cụ giúp ta có thể sửa sai khi viết bằng bút bi là cục gôm mực hay bút xóa. Nhưng dấu vết để lại còn khá rõ. Cũng như khi ta phạm phải sai lầm và mặc dù đã hối hận, nhưng vẫn còn đó vết tích của quá khứ. Những bài viết trình bày sạch đẹp, ít gạch bỏ, bôi xóa lúc nào cũng được đánh giá cao hơn những bài viết cẩu thả, nhiều sai sót. Những người có 1 quá khứ tốt đẹp luôn được mọi người yêu quý hơn những người có tiền án tiền sự, như một vệt mực dài in trên trang giấy trắng. Đó là quy luật của cuộc sống. Mà suy đi nghĩ lại, thế cũng tốt. Những lỗi lầm ấy tuy dễ nhận ra, nhưng nó cũng giúp ta nhớ khi nhìn lại và tránh đi trên vết xe đỗ ấy.

Thật ra thì xã hội cũng không nên khắc nghiệt quá. Nếu bạn nhận ra được cái sai của mình là tốt lắm rồi. Và sẽ tuyệt hơn nữa khi bạn biết sửa cái sai ấy. Xã hội vẫn tạo cơ hội cho những con người lầm đường lỡ lối làm lại từ đầu, bởi vì “tha thứ” là một động từ đẹp nên có trong suy nghĩ mỗi người. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn cuộc sống như khi nhìn vào một bài viết tay bằng bút bi. Sẽ không thể nào tránh phải những lỗi sai nên hãy đừng mãi nhìn vào lỗi sai ấy mà hãy nhìn rộng ra xung quanh, những con chữ đẹp đẽ còn lại. Khi đó ta mới thấy được giá trị thực sự của bài viết cũng như của người viết ra nó.



Nói là nói thế chứ chẳng lẽ giải thích cho con bé 5 tuổi những điều cao siêu ấy? Cuối cùng thì tôi chọn phướng án “an toàn” khi trả lời nó rằng: “Vì người ta quy định chỉ bán gôm cho con nít, không bán gôm cho người lớn, mà bút chì thì phải đi đôi với cục gôm, nên người lớn đành xài bút bi thôi”. Con bé nhăn mặt sao lại có cái quy định gì kì cục quá hen. Còn tôi thì mỉm cười nghĩ sau này nó cũng phải tập làm quen với cái “quy đinh kì cục” đó thôi.