Xã hội càng hiện đại, con người càng mắc nhiều chứng bệnh khó hiểu khiến y học cũng phải bó tay. Trong đó có căn bệnh gọi là bệnh “sợ lấy chồng”. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi nó là bệnh bởi rất nhiều cô gái đang mắc phải căn bệnh lạ này. Cứ nhắc đến lấy chồng là nhiều cô mặt mũi tái mét, rồi quay đầu chạy thẳng. Cứ làm như người ta chuẩn bị ép cô vào hang hổ, đẩy cô lên rừng sống với thú dữ không bằng.

Chung quy lại cũng chỉ vì hai từ “lo lắng” kéo các cô vào vòng xoáy sợ hãi để rồi cứ thu mình trong cái vỏ bọc an toàn của bố mẹ, chẳng chịu chui ra. Mà cái lý do lo sợ của các cô khi trình bày ra thành câu chuyện nghe cũng xuôi tai, hợp lý lắm chứ.

Câu chuyện muôn thuở thứ nhất: “Mẹ chồng, nàng dâu”

Một người phụ nữ cho dù có giỏi giang, tháo vát, thông minh, nhanh nhẹn và biết cách ứng xử tới đâu cũng không bao giờ thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên “mẹ chồng”. Tuy rằng không phải bà mẹ chồng nào cũng ghê gớm, xét nét nhưng câu chuyện mẹ chồng nàng dâu đấu đá nhau các cô đa được nghe nhiều ngay từ khi lọt lòng nên nó trở thành tư tưởng khó mà sửa đổi.

Ngày nay, tư tưởng của các bà mẹ chồng cũng đã thoáng hơn nhưng chưa phải là thoải mái. Cái suy nghĩ “con dâu khác máu tanh lòng” vẫn luôn thường trực trong tâm trí. Và tư tưởng con trai mình là số một lại càng không dễ gì thay đổi. Với các bà mẹ chồng, cho dù con có sai vẫn là ocn của mẹ và mẹ chồng nào cũng đều muốn con dâu của mình hiểu rằng chồng có sai cũng là chồng. Hỏi sao mà con gái không sợ lấy chồng cho được.

Câu chuyện thứ hai: Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu

Ngay từ bắt đầu học yêu, câu nói này đã là bài học vỡ lòng của mọi cô gái. Quá nhiều những kinh nghiệm được chia sẻ từ thế các chị em có chồng đi trước khiến con gái lo sợ trước “nấm mồ” của chính mình. Nào thì khi yêu nâng niu, chiều chuộng, thấu hiểu là thế. Khi về rồi thì cái người hứa rằng cả đời sẽ che chở giúp đỡ ấy lại vắt chân lên ghế ngồi chơi điện tử trong khi người nghe lời hứa thì cặm cụi, vất vả trong bếp. Nên bài học xương máu được đúc rút ra là: Là con gái đừng dễ tin vào lời hứa hẹn, bởi có những lời hứa hẹn, người nghe thì còn nhớ mãi nhưng người hứa thì đã quên lâu lắm rồi.