Lần nào chị cũng vỗ ngực khoe với bạn bè, chồng chị hiền lắm, hiền đến mức, chị nói gì nghe nấy, anh cấm cãi chị một câu.
Chỉ cần là chị lừ mắt, anh hiểu ý và làm ngay theo ý chị. Trong đám bạn bè của chị, có nhiều người khen ngợi chị khéo quản chồng, cũng có người nói với chị, đàn ông không thích như thế nên đừng bao giờ lên mặt dạy chồng hay dọa chồng. Chị chỉ cười khi người khác có phản ứng không tích cực. Chị hào hứng vì chuyện đó và tự hào lắm lắm.
Nghe chị kể, chồng chị là người đàn ông nhu nhược chứ không phải hiền. Vì chị đao to búa lớn nên mỗi lần anh nói gì không hay không phải là chị lại quắc mắt nhìn khó chịu. Có chuyện gì, dù là chuyện nhỏ nhặt, chị cũng gọi điện về nói với mẹ chồng. Mẹ chồng chị vốn hiền lành, lại nghe một phía nên cứ nghĩ con trai mình này nọ, chiều con dâu. Còn anh, vốn điềm đạm, không thích mấy chuyện lung tung nên mỗi lần chị làm như thế, anh đều nhịn, lại xuống nước nịnh chị cho xong chuyện.
Thành quen, bao nhiêu lần cãi nhau là bấy nhiêu lần chị nhấc điện thoại lên dọa anh. Chị không những gọi cho mẹ chồng mà còn gọi cho cả mẹ đẻ khiến anh ngại mặt. Chuyện không có chị cũng nói thành có, chuyện bé xé ra to và đương nhiên, anh là người gánh chịu mọi trách nhiệm.

Đàn ông mà hèn thì khổ lắm. Người ta nhìn mình bằng con mắt khó chịu, căm thù. Còn vợ mình thì nhơ nhơn, sung sướng vì quản được chồng. (Ảnh minh họa)
Nhà có hai vợ chồng nên anh không muốn lúc nào về cũng thấy mặt vợ sưng lên, khó chịu, cau có. Có đông người còn có người khác mà nói chuyện. Chỉ có hai người, nói với ai mà còn giận với dỗi làm gì?
Mà nhà có chuyện gì đâu, chỉ vì chuyện anh đi về muộn một tí xíu, chị cũng làm to lên, cả hàng xóm nghe được, tưởng là vợ chồng chị cãi nhau to lắm. Có hôm, anh vừa thò đầu ra đi làm, có chị đã ngó sang hỏi ‘tối qua nhà chú có chuyện gì mà vợ chồng to tiếng thế’. Anh ngại, chỉ cười trừ cho qua chuyện, biết nói gì đây. Không lẽ nói vợ chồng em cãi nhau rồi thanh minh thanh nga, ai nghe chuyện nhà mình?
Tính anh nhân nhượng, nhẹ nhàng không muốn hàng xóm láng giềng phền hà nên lần nào anh cũng nói với chị bằng giọng nhẹ nhàng. Anh không quát tháo, anh xin chị nhỏ tiếng, rồi xin lỗi cho xong chuyện nhưng lòng anh hậm hực lắm. Thế là chị thích, chị lại tưởng mình quản được chồng. Những lần sau, anh không dám về muộn. Không phải anh sợ vợ mà vì anh sợ hàng xóm…
Chỉ có một lần anh mạnh tay dọa tát chị, chứ chưa được tát, thế mà chị mang câu chuyện ấy kể với khắp thiên hạ rằng, chị là người đàn bà tốt, đảm đang, lại lấy phải người chồng bạo lực. Anh không đánh chị, chị né anh tự ngã, hôm sau anh bảo, chồng đánh cho tím cả chân tay, mày mặt. Anh khiếp đảm luôn. Ra ngoài, người ta nhìn anh bằng con mắt ái ngại, có chút khó chịu vì nghĩ, đàn ông đánh vợ là hèn.
Đàn ông mà hèn thì khổ lắm. Người ta nhìn mình bằng con mắt khó chịu, căm thù. Còn vợ mình thì nhơ nhơn, sung sướng vì quản được chồng. Nghĩ cho cùng, chị thật là cao thủ. Nhưng chính vì sự cao thủ ấy của chị lại khiến tình cảm của anh chị dần xa cách.

Làm vợ, dù có quản chồng cũng phải khéo léo, tế nhị và mở đường để đàn ông còn cảm thấy mình thật sự là đàn ông, dũng mãnh và đầy tự trọng, sĩ diện. (ảnh minh họa)
Anh cứ nín nhịn, bức bối vì về nhà là bị tra khảo, quản thúc. Anh chán cảnh sống không có tự do. Nên anh chỉ biết câm lặng, đi về nhà như cái bóng rồi lại đi làm. Tháng đến, anh đưa tiền cho chị. Gần như hai người không có quan hệ gì thân mật. Vì với một người vợ dữ như bà chằn thế, anh còn thiết tha gì hơn?
Làm vợ, dù có quản chồng cũng phải khéo léo, tế nhị và mở đường để đàn ông còn cảm thấy mình thật sự là đàn ông, dũng mãnh và đầy tự trọng, sĩ diện. Cướp hết sĩ diện của họ, biến họ thành trò cười trong mắt người khác chính là đàn bà đã thất bại. Thất bại ở chỗ, từ nay và về sau, chồng sẽ không bao giờ muốn gần gũi họ, đối đãi thật lòng với họ. Vì thật tâm, họ cảm thấy ngôi nhà ấy không còn là mái ấm mà như nhà tù và vợ chính là cai nhục. Sống với nhau mà phải nhẫn nhịn thì mệt vô chừng.

Theo truyennganmoingay.com