Đang ăn tối cùng sếp và đối tác, Hải nhận được tin nhắn của Ngọc. Chạy đến gần cầu thang bộ, nhìn bóng cô đơn của Ngọc, Hải xót xa…
Khi mắt đã thấy, tai đã nghe mọi chuyện rõ ràng về mối quan hệ giữa Mai và Long, Ngọc mới nhận ra: Trong suốt cuộc đời này, có những người đến với ta bằng cảm tình thực sự, cũng có những người chỉ coi ta như ‘hơi ấm dự phòng’. Ngay bản thân cô ngày ngày kề cận bên Long, cũng chẳng thể ngờ người đàn ông của cuộc đời mình lại có thể làm chuyện động trời như vậy.
Nhìn Ngọc sụt sùi bên bàn máy may, Long thờ ơ lãnh đạm:
– Dù gì tôi và em cũng chỉ là dọn về ở với nhau – không hôn thú, không con cái – nghĩa là hoàn toàn chẳng có gì ràng buộc! Còn Mai phải một mình chăm sóc giọt máu của tôi, cô ấy nổi giận vậy thôi nhưng có thể chỉ một vài hôm nữa sẽ dọn về đây sinh sống. Em nên đi ngay thì hơn, tôi hoàn toàn không muốn Mai phải khó xử …
Ngọc gạt vội nước mắt cốt để không cho Long thấy mình yếu đuối, quay lại bình thản đối diện với chồng và gật đầu lia lịa:
– Vâng, em sẽ đi ngay. Xin lỗi anh vì thời gian qua đã vô tình chia rẽ tình cảm của hai người! Nếu anh thành thật với em sớm hơn, có lẽ bây giờ sẽ không ai trong chúng ta phải khó xử …
Cô lẳng lặng xếp tư trang vào chiếc túi du lịch đã cũ, ghé qua chào bác Tám và mẹ chồng. Suốt từ chiều tới giờ bà Hoa ở lì bên này không chịu về phòng, ai khuyên răn gì cũng khóc, nói không thể chịu được cái bản mặt bất nhân bất nghĩa của thằng con trai. Nhìn Ngọc đầu bù tóc rối xách theo túi đồ, bà Hoa hốt hoảng giữ tay con dâu, khẩn thiết:
– Con định đi đâu? Ông bà thông gia từ mặt con, dọn cả vào Nam sinh sống rồi… con còn chỗ nào để mà đi nữa? Ở lại đây với mẹ! Mẹ nhất quyết không bao giờ chấp nhận ai khác làm con dâu của mẹ, kể cả nó có mấy đứa con với thằng khốn nạn kia mẹ cũng không cần!

Ảnh minh họa
Ngọc nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc xương xẩu của mẹ chồng, nước mắt rưng rưng:
– Con xin lỗi mẹ, là con vô phước không thể tiếp tục làm con dâu của mẹ. Dù gì chị ấy cũng đã sinh cho mẹ một đứa cháu. Trẻ con vô tội mẹ ơi…
Dứt lời, cô nhất quyết rời đi mặc cho bà Hoa van nài…

Đang ăn tối cùng sếp Tổng và đối tác tại khách sạn Melia Hà Nội, Hải nhận được 2 tin nhắn mới. Một tin nhắn từ Ngọc, tin còn lại đến từ một số điện thoại lạ anh chưa thấy bao giờ. Anh lập tức rời khỏi bàn tiệc, đánh xe tới chân cầu đi bộ trường Kinh tế – nơi Ngọc đang chờ.
Ngôi trường Kinh tế là nơi Ngọc có rất nhiều hồi ức đẹp về tình yêu thời sinh viên cùng với Long – mối tình nhiều trắc trở vì gia đình Ngọc ngăn cấm, khiến cô bị cha mẹ từ mặt đến nỗi chẳng còn nơi nào để mà nương tựa. Nhìn cái dáng bé nhỏ thu lu của cô trên bậc thang nơi lưng chừng cầu đi bộ, Hải không nén nổi thương xót:
– Lên xe, anh chở em về…
Ngọc ngước đôi mắt sưng húp lên nhìn Hải:
– Em còn chỗ nào đâu để mà đi…
Rồi cô òa khóc nức nở như đứa trẻ, khiến những cặp đôi sinh viên đang hóng gió trên cầu và cả những vị khách đang ngồi trà đá tám chuyện trên vỉa hè cũng nhìn Hải đầy ái ngại. Anh chàng Phó Tổng thường ngày oai vệ là thế nhưng trước nước mắt phụ nữ cũng đành hạ vũ khí xin hàng…
– Em đã ăn gì chưa?
Ngọc gật đầu nhưng cái bụng phản chủ lại réo lên ùng ục.
Hải dẫn Ngọc đến một nhà hàng Hàn Quốc cách đó không xa. Anh ăn rất ít, chủ yếu dành trọn thời gian để quan sát ‘Tình đầu’. Bắt gặp ánh nhìn của anh, Ngọc không né tránh nữa, mà đáp lại bằng đôi mắt cương quyết:
– Lời đề nghị lúc sáng của anh vẫn còn giá trị chứ?
– Đương nhiên! Sang tuần em có thể bắt đầu công việc…
– Tại sao lại phải chờ đến sang tuần?
– Anh muốn em sẵn sàng cho một vài thứ!

Ảnh minh họa
Ngọc không cần phải thắc mắc nhiều, bởi ngay sáng hôm sau Hải đã đưa cô đi sắm sửa đủ thứ váy áo, giày dép mới, mặc cho cô có la oai oái. ‘Trợ lý Phó Tổng J&P không thể ăn mặc tuềnh toàng như hiện giờ được!’ – chỉ một câu nói của anh mà khiến cô phải thử đồ đến chóng mặt nguyên một ngày dài…
Chưa kể đến chuyện khi biết cô bị khách hàng mắng vì chậm giao váy thiết kế, Hải đặt ngay một chiếc váy hàng hiệu làm quà xin lỗi vị khách đó và lẳng lặng thuê người sắm riêng một bàn máy may mới kèm vải vóc mang đến tận nhà trọ cho cô. Cái tính ‘độc tài như phát xít’, hay tự ý quyết định mọi chuyện của anh chẳng hề thay đổi từ trước đến giờ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Ngọc chẳng thể nào bực anh cho được…

Gần 1 tháng kể từ ngày Ngọc đi, sức khỏe của Long ngày càng nguy kịch, đã 3 lần phải nhập viện gấp để cấp cứu vì suy tim, suy hô hấp liên tục, hệ tiêu hóa rối loạn… Anh chẳng còn thiết ăn uống, cũng chẳng chịu hé môi nói với ai nửa lời. Bác sĩ Việt – người trực tiếp điều trị cho Long kéo bà Hoa ra một góc hành lang bệnh viện, chia sẻ đầy ái ngại:
– Với thể trạng suy kiệt thế này, e là Long không thể chịu đựng được một ca lọc máu dài 4 tiếng như trước nữa. Chỉ còn một phương án duy nhất là ghép thận… Không biết gia đình mình có đủ điều kiện để thực hiện ghép thận cho em?
Câu hỏi của bác sĩ Việt lơ lửng giữa không trung, không nhận được câu trả lời nào rõ ràng. Thay vào đó là những giọt nước mắt tuyệt vọng của người đàn bà đã vì con mà cả đời cơ cực.
Chiếc điện thoại trong túi áo của bác sĩ Việt rung bần bật. Anh bắt máy trả lời, khuôn mặt đang sầu thảm bỗng trở nên rạng rỡ. Sau một hồi trao đổi, anh nắm lấy tay bà Hoa không giấu được niềm phấn khích, xúc động:
– Bác ơi! Em Long được cứu rồi! Có một nhà hảo tâm biết được hoàn cảnh của em, chấp nhận thanh toán chi phí ghép thận cho Long rồi!
Bà Hoa trào nước mắt, vội vàng trở lại giường bệnh để báo tin mừng cho con trai. Nhưng lay mãi vẫn không thấy Long hồi đáp, chỉ còn chút hơi thở mong manh yếu ớt… Bà Hoa rùng mình:
– Bác sĩ! Cứu con tôi! Làm ơn cứu lấy con tôi…

Theo truyennganmoingay.com