9. chuyện Cóc tía
Thằng Tường đọc được rất nhiều chuyện hay. Nhưng nó đặc biệt thích chuyện Cóc tía. Trong khi tôi thấy chuyện đó dở tệ.
Chuyện kể về một chàng thư sinh nhà nghèo nhưng chăm học.
Ban ngày chàng thư sinh vào rừng hái củi đem bán để lấy tiền mua gạo và mua dầu đèn. Ban đêm chàng cặm cụi đọc sách cho đến lúc gà hàng xóm gáy lần thứ hai mới đi ngủ.
(Chắc chắn chàng thư sinh này đọc sách giáo khoa để đi thi chứ chẳng phải đọc truyện như thằng Tường).
Nhà chàng chỉ là một túp lều con, tài sản vỏn vẹn một con dao quắm và một chồng sách.
Làm bạn với chàng chỉ có một con cóc tía, những buổi chàng học khuya con cóc nhảy ra quanh quẩn ở dưới chân chàng, đớp gọn những con muỗi bay vo ve.
(Thằng Tường đặc biệt thích đoạn này, nó có thể đọc thuộc lòng đoạn văn bằng giong ngân nga thích thú).
Rồi tới ngày chàng lên kinh ứng thí, cóc tía cũng đi theo. Dọc đường chàng dùng viên ngọc thần của cóc tía để cứu sống một người bạn xấu.
Khi biết đó là viên ngọc có khả năng cải tử hoàn sinh, người bạn xấu liền ra tay chiếm đoạt viên ngọc của chàng thư sinh.
Lúc ấy, công chúa trong cung tự nhiên lâm trọng bệnh. Nhà vua và hoàng hậu vội gọi ngự y tới cứu chữa, nhưng các quan ngự y đều bó tay. Nhà vua hấp tấp treo bảng tìm danh y, thông báo khắp kinh thành: “Ai cứu sống công chúa sẽ được tuyển làm phò mã”.
Tin đó tới tai cóc tía. Cóc tía nói với chủ: “Đây là dịp tốt để ta lấy lại viên ngọc và tìm ra kẻ cắp”. Hôm sau, tên ăn cắp ngọc đội lốt danh y vào cung chữa bệnh cho công chúa, chàng thư sinh và cóc tía tìm cách lẫn vào hàng các quan văn võ để đi theo.

Tới nơi, tên bạn xấu rút viên ngọc ở trong túi ra đặt vào mũi công chúa nhưng công chúa vẫn nằm bất động trước sự sốt ruột của nhà vua và hoàng hậu.
Giữa lúc đó, chàng thư sinh rẽ đám đông tiến lại trước mặt nhà vua, chàng vừa nói vừa chỉ vào mặt tên cắp:
– Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại.
Chàng cầm lấy viên ngọc rồi chỉ vào cóc tía – bây giờ đã nằm gọn trên bàn tay của chàng – giảng giải ọi người nghe đây là viên ngọc cải tử hoàn sinh của cóc thần. Chỉ có cóc thần và chàng mới dùng được viên ngọc này để cứu sống người chết. Tên kia là kẻ cắp nên không biết rằng viên ngọc chỉ phát huy tác dụng nếu được sự đồng ý của cóc thần.
Đoạn, người thư sinh nhẹ tay đặt viên ngọc vào mũi công chúa. Quả nhiên, công chúa bỗng cựa mình và dần dần hồi tỉnh trước sự hồi tỉnh trước sự reo mừng của mọi người.
Đoạn kết thì dĩ nhiên là thế này:
Sau khi công chúa được cứu sống, nhà vua bèn nhận chàng thư sinh làm phò mã.
Sau đó, chàng làm bài xuất sắc nhất trong trường thi và đỗ trạng nguyên.
Sau đó nữa thì chàng lại được toàn thể triều thần tôn lên giữ chức tể tướng.
10. cu Cậu
Tôi không hiểu tại sao thằng Tường lại thích câu chuyện dở ẹc đó.
Lần nào cũng vậy, hễ tôi kêu nó kể chuyện bao giờ nó cũng kể chuyện Cóc tía trước tiên.
– Thôi, kể chuyện khác đi! – Tôi gạt phắt – Cóc tía, cóc tía hoài!
Tường kể chuyện khác. Nhưng qua hôm sau, khi hai anh em phủi chân chui vô mùng là nó lại lôi chuyện Cóc tía ra kể.
Nó cóc tía hoài đến mức tôi bực mình tuyên bố thẳng:
– Từ nay về sau mày đừng bao giờ kể chuyện Cóc tía với tao nữa nghe Tường!
Chỉ đến hôm tình cờ nhìn thấy một con cóc dưới gầm giường, tôi mới vỡ lẽ tại sao Tường thích câu chuyện này đến vậy.
Con cóc tôi nhìn thấy dĩ nhiên không phải là cóc tía.
Bạ.n .Đa.ng. Đ.ọc. T.ru.yệ.n .Tạ.i .We.bs.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. Chú Đàn bảo cóc tía chỉ sống trên những ngọn núi cao, ven bờ nước hay ao hồ có nhiều cây cỏ, da có màu đỏ tía hay đỏ vàng.
Con cóc đang ngồi chồm chỗm trước mặt tôi giống như mọi con cóc tôi từng nhìn thấy: da xam xám, xù xì, dáng ngồi giống như vận động viên đang thủ thế trên bục xuất phát để chuẩn bị thi chạy 100 mét. Khi tôi ngồi xổm xuống trước mặt nó tò mò quan sát thì nó cũng giương cặp mắt lồi ra nhìn tôi đầy tư lự, có vẻ đang tự hỏi tôi là ai mà bây giờ nó mới nhìn thấy.
Tôi đang ngắm nghía con cóc thì Tường ở ngoài bước vô.
– Con cóc mày nuôi đấy à? – Tôi hỏi.
– Dạ.
– Mày đem ở đâu về thế?
– Nó ở đây từ hồi nào đến giờ, tại anh không thấy đó thôi. Hang của nó ở dưới chân giường mình.
Tường đáp và thảy xuống trước mặt con cóc bảy, tám xác ruồi nó vừa iếm được bằng cái vỉ đập ruồi đan bằng nan tre còn cầm trên tay.
– Thức ăn của mày nè, Cu Cậu?
Con cóc nhảy tới, cái lưỡi nhọn thò ra thụt vào nhanh như chớp, nhoáng một cái mớ ruồi đã biến sạch.
– Nó tên Cu Cậu à?
– Dạ. Em đặt tên cho nó đó. Nó là thằng cu nhưng nó cũng là cậu ông trời. – Tường vừa nói vừa ngồi xuống cạnh tôi, mắt không ngừng dán vào Cu Cậu lúc này đang quay lưng ì ạch nhảy về hang sau khi chén xong bữa tiệc ruồi.
Chắc Cu Cậu đói bụng nên mò ra đợi Tường. Tôi nghĩ, và hỏi:
– Nhưng nó đâu phải là cóc tía?
– Dạ.
– Vậy nó đâu có viên ngọc cải tử hoàn sinh để tặng mày?
– Dạ.
Tôi vỗ vai Tường, cười khì:
– Cho nên mày đừng có mơ đến chuyện cưới công chúa.
Tường không đáp trả câu trêu của tôi. Nó hỏi, mắt mơ màng:
– Công chúa có thật trên đời không anh Hai?
Tôi vò tóc, ngập ngừng:
– Tao cũng chẳng biết nữa. Hồi xưa thì có, bây giờ tao nghĩ chắc là không có.
11. chị Vinh
Thằng Tường rất cưng Cu Cậu.
Từ ngày biết có một con cóc dưới gầm giường, tôi để ý thấy Tường ngày nào cũng kiếm thức ăn về cho Cu Cậu.
Cu Cậu dĩ nhiên vẫn tự mình kiếm ăn. Nó ăn ruồi, muỗi và sâu bọ.
Nhưng Tường vẫn sợ Cu Cậu không đủ no. Nó chuốt tre, đan một cái vỉ hình tam giác, lúc rảnh rỗi lại cầm đi săn ruồi.
Bữa nào, Tường cũng nhặt cơm rơi vãi, gom lại để giành cho Cu Cậu.
Đêm nào Cu Cậu nghiến răng ken két dưới gầm giường, sáng hôm sau thế nào trời cũng mưa.
Những ngày mưa đối với anh em tôi luôn luôn là những ngày tuyệt vời.
Trong khi tôi và Tường mặc nguyên quần áo dầm mưa và rượt nhau ngoài trời, Cu Cậu cũng hớn hở nhảy khỏi gầm giường, men ra tới cửa để rình đớp những chú mối bay ngang.
Tôi và Tường nghịch mưa chán lại chen nhau đứng dưới máng xối để nghe nước dội ồ ồ lên đầu lên cổ, tưởng tượng đang tắm dưới một ngọn thác hùng vĩ, mặc dù cho đến lúc đó ngoài các hình vẽ trong sách giáo khoa, tôi chưa nhìn thấy thác bao giờ.
Dầm mưa một lát, bao giờ thằng Tường cũng quay vào chơi với Cu Cậu bằng cách mà Cu Cậu thích nhất là phụ với chú bắt những con mối cánh.
Những lúc như vậy, tôi bỏ mặc thằng Tường với con cóc của nó, ba chân bốn cẳng băng ngang đường lộ, nôn nao chạy qua nhà chị Vinh.
Nhà chị Vinh là ngôi nhà ngói to nhất làng, trước nhà có cái sân gạch rộng mênh mông với cây phượng lâu năm tỏa bóng nơi góc rào, nơi bọn trẻ con chúng tôi thường tụ tập chơi nhảy lò cò, chơi u, chơi bịt mắt bắt dê và đủ thứ trò hấp dẫn khác.
Chị Vinh lớn hơn tôi sáu tuổi.
Trong khi tôi chỉ là thằng nhóc mười ba tuổi thì chị đã là cô thiếu nữ xinh đẹp, nhưng gầy gò. Da chị trắng hồng, tóc chị đen, dày và dài chấm lưng, khi chị cười đôi mắt chị nhắm tít, trông như hai dấu trừ, đuôi mắt dài thật dài.
Tôi thích nhất là lúc chị cười.
Chị lại rất hay cười với tôi, mặc dù trong sân nhà chị ngoài tôi ra lúc nào cũng có một bọn nhóc con chạy nhảy hò hét ầm ĩ.
Chị Vinh hay cười với tôi là vì chị thích chú Đàn.
Chuyện này chính thằng Tường kể tôi nghe.
Nó bảo:
– Anh không nhớ hồi đó ngày nào chú Đàn cũng đứng dưới cây phượng trước nhà chị Vinh thổi acmônica suốt đêm sao?
– Tao nhớ.
Tôi nói và tôi nhớ không ít lần ba tôi hầm hầm xô cửa xách gậy đi ra, mắng “Mày khùng hả Đàn? Sao mày không cho ai ngủ hết vậy?”, lúc đó chú Đàn mới co giò bỏ chạy.
Tường nói như một kẻ sành sỏi:
– Chú Đàn tỏ tình với chị Vinh đó.
Tôi nhún vai:
– Mày là nhóc con mà biết gì!
– Chính chú Đàn nói với em mà.
– Tỏ tình bằng tiếng kèn à?
– Ờ.
Nếu chú Đàn nói với nó thì đúng rồi! Tôi là thinh một lát, lại thắc mắc:
– Sao cả tháng nay tao không thấy chú Đàn thổi kèn dưới gốc phượng nữa hở mày?
Hóa ra thằng Tường cũng từng thắc mắc y hệt tôi. Nó chép miệng:
– Em đã hỏi chú Đàn rồi.
– Chú bảo sao?
Tường cười khúc khích:
– Chú bảo chị Vinh đã mê chú, chú không cần phải khản cổ “gặm bắp nướng” hằng đêm nữa.
12. chim xanh
Chị Vinh mê chú Đàn không chỉ nhờ tiếng kèn.
Chị mê chú còn vì những bức thư tình nồng nàn của chú.
Lại cũng Tường kể với tôi. Thằng này có cái tật lớn là không bao giờ kể chuyện một lèo. Chuyện gì cũng vậy, nó cứ hôm nay he hé một chút, hôm sau he hé một chút khác. Có nhiều chuyện, khi tôi nghe được phần sau thì đã quên béng mất phần đầu.
Người đưa thư cho chú Đàn dĩ nhiên là thằng Tường.
Tôi không hiểu tại sao chú Đàn lại không nhờ tôi. Tôi ghen tị nghĩ, nhưng rồi tôi tự giải đáp được ngay. Ba chị Vinh là thầy Nhãn, là thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi, chú Đàn không nhờ tôi có lẽ sợ tôi khiếp vía thầy sẽ làm hỏng việc.
Khi nghe Tường kể, tôi công nhận chú Đàn tính toán hay thật.
Chú Đàn viết thư bỏ vào phong bì rồi lật áo thằng Tường lên, nhét phong thư ngang lưng quần, giấu sau vạt áo.
Buổi trưa, Tường chạy qua nhà chị Vinh, réo inh ỏi:
– Chị Vinh ơi, chị Vinh!
Chị Vinh bước ra:
– Có chuyện gì thế em?
Chú Đàn bày cho Tường cả chục câu trả lời:
– Chị ẹ em xin quả ớt.
– Chị ẹ em xin quả chanh.
– Chị ẹ em mượn chai xì dầu.
– …
Tùy theo câu trả lời của Tường mà chị Vinh đưa cho nó một quả chanh, một quả ớt hay một chai xì dầu, tay kia lật áo thằng nhóc rút phong thư rồi lật đật giấu vào vạt áo của chị.
– Thế mày qua nhà mà thầy Nhãn không hay biết à? – Tôi thắc mắc.
– Biết chứ.
Tôi cắn môi:
– Thế thầy không hỏi gì sao?
– Có. Thỉnh thoảng thầy hỏi “Con đi đâu đó Tường?”. Có hôm thầy hỏi “Con tìm chị Vinh làm gì vậy con?”.
Tôi rụt cổ:
– Nếu tao là mày chắc tao tè ra quần rồi.
– Thầy chỉ ngồi trong nhà hỏi vọng ra thôi.
– Ngồi trong nhà hay ngồi đâu cũng vậy. – Lần này tôi vừa rụt cổ vừa rùng mình – Hễ nghe giọng thầy cất lên là tao muốn xỉu rồi.
Tường cười khì khì:
– Anh nhát gan quá.
Bị chê, tôi nổi khùng:
– Mày ngu quá! Tại giáo viên chủ nhiệm của mày là cô Trang. Nếu mày học thầy Nhãn như tao thử coi mày có nhát gan không!

Theo truyennganmoingay.com