1. Hoa tay
Chú Đàn bảo tôi:
– Con xòe tay ra cho chú xem nào!
Tôi co những ngón tay lại, nắm thật chặt và giấu ra sau lưng:
– Tay con sạch cơ mà. Hồi sáng con đã rửa tay rồi.
Chú Đàn phì cười:
– Chú có định khám tay con đâu. Con xòe tay ra để chú xem con có mấy cái hoa tay thôi.
Đằng sau lưng, hai bàn tay tôi lỏng đi. Tôi chìa bàn tay trái ra trước mặt chú Đàn, thắc mắc:
– Hoa tay là gì hở chú?
Chú Đàn dựng mắt nhìn tôi:
– Con lớn từng này rồi mà không biết hoa tay là gì à?
Chú cầm lấy bàn tay tôi, chậm rãi giải thích:
– Hoa tay là những vân tay hình tròn ở đầu mỗi ngón tay. Hoa tay càng nhiều thì vẽ càng đẹp. Nếu con có mười cái hoa tay, con sẽ vẽ đẹp nhất lớp. Con viết chữ cũng đẹp nhất lớp.

Tôi hồi hộp nhìn chú Đàn săm soi từng ngón tay tôi. Có cảm giác như chú đang nghiên cứu những chiếc gân lá trên năm chiếc lá.
Tôi nín thở, hỏi:
– Con có mấy cái hoa tay hả chú?
Chú Đàn lắc đầu, thất vọng:
– Chẳng có cái nào hết.
Tôi lặp lại, buồn rười rượi:
– Chẳng có cái nào hết.
Trong một giây, tôi cảm thấy mắt tôi chợt tối đi. Trái tim tôi quặn thắt và rơi xuống một chỗ nào đó, rất xa, có thể là tận những đầu ngón chân.
– Con đừng lo! – Chú Đàn vừa nói vừa dùng ánh mắt để sưởi ấm tôi – Con đâu có biết vẽ bằng tay trái, đúng không? Tay phải mới quan trọng. Nào, con đưa tay phải ra đây!
Tôi như vừa được vớt lên từ dưới suối.
Tôi lật đật chìa tay phải ra và chú Đàn thận trọng nâng bàn tay tôi lên sát mắt, lần này động tác của chú hết sức từ tốn, như thể chú cho rằng những cử động mạnh sẽ khiến vân tay của tôi xô lệch đi. Ngay cả khi kiếm tìm những đường vân tròn trên từng ngón tay tôi, trông chú cũng chăm chú hơn, tôi thấy môi chú mím chặt và mày chú nhíu lại, tưởng như chú đang quan sát những con bọ qua kính lúp.
– A, có một cái đây rồi!
– Chú hét lên sung sướng.
– Hoa tay hở chú?
– Tôi nôn nao buột miệng, cố kềm một tiếng reo vì sợ mình nghe nhầm.
– Ờ, hoa tay!
– Gương mặt chú Đàn sáng bừng như có một ngọn nến vừa thắp lên trong mắt chú – Có một cái hoa tay trên ngón cái.
Tôi run run hỏi:
– Chú ơi, thế còn những ngón khác?
Chú Đàn chẹp chẹp miệng:
– Chờ đã!
Chú lại nghiêng đầu, mân mê từng ngón tay tôi bằng cả tay lẫn mắt, miệng lẩm bẩm xuýt xoa:
– Ngón trỏ, chậc, hỏng rồi!
– Ngón giữa. Ôi, sao ngón này cũng chẳng thấy gì!
– A, có đây rồi. Một cái hoa tay nữa nè!
Tôi lại hỏi, như người mơ ngủ:
– Hoa tay hở chú?
– Ơ, cái thằng này!
– Chú Đàn mắng tôi nhưng mắt chú nói điều ngược lại
– Chú đang tìm hoa tay của con mà.
Nhưng đó là cái hoa tay cuối cùng chú tìm được. Ngón út tay phải của tôi chẳng có cái hoa tay nào. Như vậy tôi có cả thảy hai cái hoa tay. Một trên ngón cái và một trên ngón áp út.
Chú Đàn bảo tôi nhìn vào đầu mỗi ngón tay và chú bắt đầu giảng giải. Đúng như chú Đàn nói, những đường vân trên đầu ngón tay áp út bên phải của tôi tròn quay, vòng bên trong nhỏ nhất, bé bằng hạt tấm, rồi tới những vòng lớn hơn xếp thành từng lớp trông hệt như những vòng sóng khi tôi nghịch ngợm ném một hòn sỏi xuống mặt ao. Hoa tay trên ngón cái của tôi không đều đặn bằng, những đường vân xoắn vào nhau như vũng nước xoáy nhưng chú Đàn bảo nó chính là hoa tay đấy con, chỉ có điều cái hoa này không đẹp bằng cái hoa kia. Chú nhìn ra sân nắng, nheo nheo mắt:
– Con nhìn ra sân mà xem. Có rất nhiều loài hoa, nhưng không phải các loài hoa đều đẹp như nhau, đúng không?

Kể từ hôm đó, gặp ai tôi cũng tóm lấy, đòi xem hoa tay.
Thằng Tường em tôi có sáu cái hoa tay khiến tôi sửng sốt:
– Ôi, sao mày nhiều hoa tay thế này. Mai mốt lớn lên mày viết và vẽ đẹp lắm đấy!
– Hoa tay là gì hở anh?
– Tới phiên thằng Tường hỏi tôi. Và tôi lại giảng giải cho nó.
Nó tròn mắt nhìn tôi:
– Thế anh có mấy cái hoa tay?
Tôi thở dài:
– Tao chỉ có hai cái à.
Giọng tôi thất vọng như thể tôi chỉ có hai cái răng hoặc hai ngón chân.
Tường kiểng chân lên để có thể bá vai tôi:
– Nhưng dù thế em cũng không thể vẽ đẹp bằng anh. Bao giờ anh cũng là người vẽ đẹp nhất.
Nghe Tường nói vậy, tôi cảm thấy mình được an ủi một chút.
Đến lớp, tôi chộp tay từng đứa bạn, săm soi.
Và tôi buồn nẫu ruột khi nhận ra đứa nào cũng nhiều hoa tay hơn tôi.
Riêng con Mận, ngón tay nào của nó cũng có hoa tay. Các đường vân tròn xoay, đều tăm tắp. Tôi nhìn những ngón tay nở hoa của nó, nói giọng ghen tị:
– Mày nhiều hoa tay thật đấy. Nếu mỗi bàn tay của mày có sáu ngón như ông Năm Ve, chắc mày có tới mười hai cái hoa tay.
Con Mận rụt cổ:
– Eo ôi, mình sợ lắm! Mình không cần tới mười hai cái hoa tay đâu!
2. Những ngón tay
Từ hôm đó, tôi có thói quen ngắm nghía hai bàn tay của mình.
Trước nay, tôi chưa bao giờ quan tâm đến chúng. Tôi sai bảo hai bàn tay làm cái này cái nọ, chép bài, gọt bút chì, gãi lưng, đấm nhau với tụi bạn, giật tóc con Mận, đem chiếc ghế từ chỗ này sang chỗ khác, và thường là tôi quên mất chúng.
Bây giờ ngồi phơi nắng một mình ngoài vỉa hè, tôi mới có thì giờ nhìn ngắm hai bàn tay của mình. Có bao giờ bạn nhìn ngắm hai bàn tay của bạn không? Nếu có lần nào bạn nhìn ngắm hai bàn tay của bạn, bạn sẽ thấy chúng thật là ngoan.
Bạn không cần nói ra miệng, bạn chỉ ra lệnh trong đầu thôi, chẳng hạn “Đưa lên”, bàn tay sẽ nghe lời bạn ngay tức khắc. Cả hai bàn tay đều đưa lên, nếu bạn muốn cả bàn tay trái lẫn bàn tay phải cùng nghe lời. Nếu bạn muốn chúng nắm lại, chúng sẽ nắm lại. Bạn bảo “Tụi bay đứng im, chỉ ngón tay cái nhúc nhích thôi”, ngón tay cái sẽ nhúc nhích trong khi những ngón còn lại không dám cựa quậy.
Bàn tay của bạn không bao giờ chống lại bạn, nên người lớn thường sai bảo bàn tay làm đủ thứ việc, từ những việc tốt như “Đóng cho tao cái đinh này” hoặc “Giặc cho tao chiếc áo kia” đến những việc không tốt như bóp cò súng hay kích nổ một quả bom.
Nếu bạn là trẻ con thì chắc bạn cũng làm như tôi thỉnh thoảng vẫn làm tức là sai ngón tay ngoáy mũi hay sai nó bẹo tai cô bạn học ngồi cạnh, tức là những chuyện mà ba mẹ và cô giáo tôi cấm ngặt.
Nói chung, hai bàn tay của chúng ta rất ngoan, chúng thường nằm im chờ chúng ta sai khiến.
Bạ.n .Đa.ng. Đ.ọc. T.ru.yệ.n .Tạ.i .We.bs.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. Trong khi chúng ta chẳng hề thương xót chúng, thỉnh thoảng lại bắt chúng làm những việc nguy hiểm khiến chúng bị trầy xước hoặc chảy máu rất nhiều.
Tôi yêu hai bàn tay của mình lúc ngồi ngắm chúng, thường là vào lúc mẹ tôi vừa cắt móng tay cho tôi xong. Lúc đó những ngón tay giống như những đứa trẻ vừa được tắm gội, nom sạch sẽ và gọn gàng.
Khi săm soi hai cái hoa tay trên ngón cái và ngót áp út ở bàn tay phải, tôi yêu hai ngón tay này quá, thậm chí có một chút gì đó tự hào. Giống như bạn có mười đứa con, nhưng chỉ hai đứa học giỏi mới có thể khiến bạn nở mặt với hàng xóm “Hai thằng cu nhà tôi mới vừa đỗ đại học đó, chị!”, có khi bạn còn hãnh diện khoe thêm: “Chẳng thấy tụi nó ôn bài gì cả mà vẫn thi đỗ như chơi chị à” để được nghe láng giềng của bạn xuýt xoa “Ồ, hai thằng bé thông minh ghê”.
Những ngón tay còn lại, tôi cũng yêu, yêu nhiều hơn là đằng khác, theo kiểu bố mẹ yêu những đứa con không may. Tôi lẩn thẩn nghĩ nếu sau này tôi lớn lên, lấy vợ và sinh được mười đứa con tôi sẽ cố yêu mười đứa như nhau dù chắc chắn trong mười đứa đó đứa kém thông minh sẽ kém thông minh hơn đứa thông minh, đứa kém xinh đẹp sẽ kém xinh đẹp hơn đứa xinh đẹp, hẳn thế.
Hai bàn tay của ta giống như những người bạn thân, luôn chia sẻ với ta mọi vui buồn trong cuộc sống. Bạn cứ ngẫm mà xem, có phải khi bạn mừng rỡ hay phấn khích, hai bàn tay hăng hái vỗ vào nhau để nhân đôi niềm vui trong lòng bạn. Khi bạn khóc, hai bàn tay lại thay phiên nhau kiên trì lau khô những giọt lệ lăn tròn trên gò má bạn. Hai bàn tay lúc đó giống như những chú chim vàng anh trong cổ tích, cần mẫn tha từng hạt cườm long lanh trên mặt bạn đem gửi vào nắng, vào gió, vào mưa để một chốc sau sự tươi tỉnh lại nhuộm hồng gương mặt mới đây còn tái xanh của bạn.
Từ khi nhận ra điều đó, tôi có thói quen thò tay ra ngoài cửa sổ bên bàn học.
Tôi tắm hai bàn tay của mình trong mưa để thấy những đầu ngón tay nhăn nheo như câu đố bọn trẻ con chúng tôi hay đố: “Một cây mà có năm cành / Nhúng nước thì héo để giành thì tươi”.
Rồi sau đó tôi phơi chúng trong nắng như mẹ tôi vẫn phơi quần áo ngoài bờ dậu để hong khô những ngón tay dưới ánh mặt trời và nghe gió cù mơn man nhồn nhột.
Có lần con Mận qua nhà tôi chơi, thấy tôi đang thò tay ra bên ngoài cửa sổ, liền trố mắt:
– Bạn đang làm gì vậy?
– Tao đang phơi những ngón tay. Mày có bao giờ phơi những ngón tay không?
– Không.
– Thế khi tay mày bị ướt mày làm gì?
– Mình lau vào quần.
Tôi kêu lên:
– Eo ơi, ai lại lau tay vào quần!
Mấy hôm sau tôi qua nhà con Mận mua chai xì dầu (nhà nó bán tạp hóa), thấy nó ngồi trong nhà thò tay ra ngoài cửa sổ y hệt tôi, tôi sung sướng hỏi:
– Mày đang phơi hai bàn tay đấy à?
Để nghe nó sung sướng đáp:
– Ờ, mình vừa rửa chén xong.
Nhưng không phải lúc nào con Mận cũng đáp lời tôi bằng giọng reo vui như vậy.
– Mày đang phơi hai bàn tay theo kiểu mới à?
Lần khác tôi hỏi, khi thấy nó hai tay chống lấy cằm, cùi tay tựa lên bậu cửa sổ, thừ mặt trông ra.
– Không, mình có phơi hai bàn tay đâu. – Nó đáp, giọng rầu rầu – Mình đang phơi khuôn mặt.
– Mặt mày làm sao mà phơi? Mày vừa tắm xong à?
– Không. Mẹ mình vừa đánh đòn mình.
Tôi không hỏi nữa. Vì tôi hiểu rồi. Con Mận đang hong khô những giọt nước mắt. Tội nó ghê!
3. chú Đàn
Chú Đàn lớn hơn tôi tám tuổi.
Chú là em út của ba tôi.
Chú sống với bà tôi, vì chú là người con duy nhất chưa lập gia đình.
Nhà bà tôi và nhà tôi cách nhau không xa lắm nên tôi thường chạy qua chơi với bà tôi và chú Đàn thường qua chơi với hai anh em tôi.
Chú Đàn cụt một tay. Tay phải của chú cụt tới tận khuỷu, lúc chú đi ngoài đường một ống tay áo phất phơ như tay áo thằng bù nhìn giữ dưa, nhưng với cánh tay còn lại chú thổi acmônica hay nhất làng.
Ba tôi bảo trước đây chú phụ việc ở lò mía đường, chả hiểu thế nào (chắc là chú ngủ gục) tay chú bị cuốn vào cối xay mía, dập nát, bác sĩ phải cưa bỏ mới cứu được chú.
Hôm trước, lúc chú xem hoa tay cho tôi, tôi quên hỏi chú có mấy cái hoa tay. Điều đó làm tôi băn khoăn suốt ngày hôm đó.
Tối, tôi định chạy qua nhà bà để tìm chú thì chú đã tằng hắng ầm ĩ trước ngõ. Đó là cách ra hiệu của chú, kiểu như là “Thiều ơi, Tường ơi! Chú Đàn tới chơi nè!”.
Tôi chạy bay ra ngõ ngay sau tiếng tằng hắng đầu tiên.
– Chú Đàn ơi! Chú có mấy cái hoa tay hở chú? – Tôi vừa chạy vừa hét lớn.
– Chú hả? – Chú xoa đầu tôi bằng bàn tay duy nhất – Trước đây chú có năm cái hoa tay. Nhưng bây giờ chẳng còn cái nào.
– Sao thế hả chú? – Tôi ngơ ngác – Những cái hoa tay cũng biến mất sao?
– Không phải là biến mất! – Chú Đàn cười khì khì, buông tay khỏi đầu tôi để mân mê mẩu tay cụt – Chỉ vì cả năm cái hoa tay của chú đều nằm ở bàn tay phải.
Bàn tay phải của chú tức là bàn tay dã bị cưa đi.
Đột nhiên tôi nói:
– Nhưng dù bàn tay phải của chú không còn nữa thì chú vẫn là người có năm cái hoa tay chứ?
Chú Đàn có vẻ ngạc nhiên trước lý lẽ của tôi. Chú tròn mắt nhìn tôi chằm chặp như thể mới thấy tôi lần đầu. Chú nhìn như thế một lúc lâu và không nói gì khiến tôi đâm chột dạ.
– Con nói không đúng hả chú? – Tôi lo lắng.
– Không! Con nói rất hay! Điều đơn giản thế mà lâu nay chú không nghĩ ra! Ha ha, hay quá! Thế là tôi vẫn có năm cái hoa tay, bà con ơi!
Tôi xác nhận với các bạn là chú Đàn vẫn còn năm cái hoa tay, dù không ai được nhìn thấy chúng nữa. Vì chú vẽ rất đẹp. Dưới mắt thằng Tường thì tôi là người vẽ đẹp nhất. Nhưng dưới mắt tôi thì chú Đàn mới là người số một. Các bài tập vẽ của tôi, lúc mê chơi tôi vẫn thường nhờ chú vẽ giùm và bao giờ các tranh vẽ của chú cũng đạt điểm cao nhất lớp.
4. chuyện ma của chú Đàn
Hồi đó, nhà tôi ở cạnh đường quốc lộ, sau nhà là một nghĩa trang rộng mênh mông. Nghĩa trang rộng đến mức ngay trong vườn nhà tôi cũng có hai ngôi mộ hoang trú ngụ từ rất lâu trước khi gia đình tôi dọn đến. Buổi tối ngồi trong nhà nhìn ra những đốm nhang lập lòe mẹ tôi vẫn thắp hằng đêm trước mộ, anh em tôi đứa nào cũng cảm thấy rờn rợn.
Đã thế, chú Đàn mỗi khi đến chơi lại hay tụ tập hai anh em tôi lại để nghe chú kể chuyện ma.
Chú Đàn thổi acmônica tuyệt hay nhưng có vẻ chú chẳng hứng thú biểu diễn cho bọn trẻ chúng tôi nghe. Nằn nì lắm, chú mới rút cây kèn trong túi áo ra, lướt khẽ trên môi, nảy ra vài giai điệu ngắn ngủi rồi lại nhét vô túi áo, nói “Chú hết hơi rồi”. Trông chú như người vừa gặm phải một trái bắp thối.
Chú Đàn bảo hết hơi rồi nhưng lại nói “Để chú kể chuyện ma cho tụi con nghe” và lúc đó tôi thấy chú chẳng hết hơi chút nào hết. Chú kể liên tu bất tận, hết chuyện này đến chuyện khác. Chuyện nào của chú cũng rùng rợn, tôi chẳng rõ từ đâu chú biết lắm thế.
Chúng tôi ngồi dỏng tai nghe, thinh thích, sờ sợ, chốc chốc lại liếc mắt ra cửa, tim đập thình thịch khi bắt gặp những đốm lửa chỗ hai ngôi mộ ở góc vườn.
Chú Đàn kể chuyện cô Thoan đi hái củi trên rừng, bị ma giấu giữa bụi rậm suốt hai ngày, đến khi người nhà đốt đuốc đi tìm thấy cô ngất xỉu vì đói và vì rét. Về đến nhà, bụng cô mỗi ngày một lùm lùm, ba mẹ cô nghi cô tằng tịu với trai, tra hỏi đến mấy cô cũng chối không có, tức giận đánh cô chết đi sống lại mấy bận rồi giam cô trong nhà kho. Chín tháng sau cô đẻ ra một bọc vải điều mọi người mới biết là cô bị ma làm.
Chú lại kể chuyện thằng Ghế đi làm rẫy, trưa đứng bóng gặp ông Năm Ve dọc đường về, hỏi “Ba đi đâu đây?”, nhưng khi về tới nhà thì thấy ba nó đang ngồi đánh cờ tướng với ông Bé hàng xóm, hỏi ra mới biết ba nó ngồi chơi cờ từ sáng đến giờ. Lần đó thằng Ghế bị ốm cả tháng trời, tưởng chết, còn bị ba nó mắng “Sao mày ngu thế? Giờ Ngọ là giờ ma trêu, thấy bất cứ ai quen hoặc nghe bất cứ ai gọi cũng không được lên tiếng. Mày gặp ma, mở miệng hỏi, chưa bị hớp mất hồn là phúc ba đời nhà mày đó”.
Trong những câu chuyện của chú Đàn, tôi vẫn thích nhất chuyện ma nhà ông Ba Huấn.
Nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng duy nhất trong làng, có căn gác gỗ, thằng Sơn con trai ông vẫn ngủ trên đó. Thằng Sơn đi ngủ chỉ mặc áo may-ô, trước khi ngã lưng thường cởi áo sơmi treo trên móc. Một sáng nọ thằng Sơn thức dậy vớ tay lấy chiếc áo, ngạc nhiên thấy chiếc áo màu trắng hôm qua tự nhiên biến thành màu hồng. Nó sờ tay vào, thấy nhơm nhớp, đem chiếc áo ra cửa trước săm soi, thấy chiếc áo dính đầy máu liền thét lên bài hãi, vứt chiếc áo xuống đất rồi co giò bỏ chạy.
Ông Ba Huấn mời thầy cúng tới. Ông hầy cúng sục sạo khắp nhà ba ngày rồi tuyên bố trong nhà có một con ma uất khí rất nặng. Ông Ba Huấn hỏi “Sao áo con tôi dính máu?”. Thầy cúng nói “Đó là do nửa đêm con ma lấy áo cậu cả mặc chơi”. Thầy cúng hỏi lại “Dạo này đồ ăn trong nhà có hay bị thiu không?”. Bà Ba Huấn trợn mắt “Sao thầy biết?”. Thầy cúng nhún vai “Biết chứ sao không. Đồ ăn thiu là do ma vọc”.
Hôm sau ông Ba Huấn cắp ô đón xe ra thành phố đi tìm người chủ cũ. Lúc về bà vợ hỏi “Sao ông?”, ông buồn thiu “Ổng xác nhận rồi. Con gái ổng lấy phải thằng chồng cờ bạc, về sau thằng này đi tù, con gái ổng buồn tình treo cổ chết trên lầu”.
Ông Ba Huấn thuật lại cho ông thầy cúng nghe. Ông thầy cúng leo lên căn gác lần nữa, mò mẫm khắp các bức vách, tìm thấy một đường gờ hình chữ nhật, nói “Chỗ này hồi trước là cái cửa sổ, về sau ai đó xây bít lại”. Ông giải thích “Trên lầu có bàn thờ phật, con ma không dám ở nên nó chạy xuống đây. Chủ nhà xây bít lại, nó chạy ra không được”. Ông Ba Huấn tái mặt “Vậy phải làm sao?”. Thầy cúng phán “Đục tường cho nó chui ra, xong mình bít lại như cũ”.
Tôi hỏi chú Đàn:
– Làm sao biết con ma có chui ra hay không hở chú? Mình đâu có nhìn thấy no!
Chú Đàn nheo mắt nhìn tôi:
– Người phàm mắt thịt không nhìn thấy ma, nhưng mấy ông thầy cúng thấy tất.
Thằng Tường khẳng định:
– Con ma không dám chui ra đâu.
Tôi hỏi:
– Sao?
Tường nói:
– Nó sợ mấy ông Phật trên lầu.
Chú Đàn nạt:
– Con ngốc quá. Con ma sẽ không sống trên lầu. Nó chỉ lên lầu lạy Phật thôi, sau đó đi đầu thai kiếp khác.
Thằng Tường chưa chịu thôi. Lần nào nó cũng hỏi câu cũ rích:
– Sao con ma không lẻn ra ngoài bằng cửa trước hả chú?
Để được nghe chú Đàn trả lời cũng bằng một câu cũ rích khác:
– Ma không bao giờ ra vào bằng cửa trước. Ma chỉ đi cửa sau hoặc cửa hông.
Chuyện ma nhà ông Ba Huấn chỉ có vậy nhưng hai anh em tôi rất thích. Lần nào nghe câu chuyện này tôi cũng mường tượng ra cảnh con ma lấy áo thằng Sơn mặc vào, lúc cởi ra áo đã dính đầy máu để nghe bụng thắt lại như có ai xoắn lấy. Tôi cũng thích hình dung ra cảnh con ma bị nhốt trong nhà, lúc đó chắc nó giống một đứa con nít, chắc nó cũng khóc hu hu nhưng nhà ông Ba Huấn không ai nghe thấy đó thôi.
Bọn tôi thích câu chuyện này đến nỗi hôm nào chú Đàn mải mê kể chuyện cô Thoan hay thằng Ghế là tôi và thằng Tường nhao nhao:
– Kể chuyện nhà ông Ba Huấn đi chú!
– Kể chuyện thằng Sơn liệng cái áo rồi bỏ chạy ấy.
Thế là chú Đàn chiều bọn tôi. Chú quấn ống tay áo vào cánh tay cụt, ý là sắp xếp tư thế cho gọn gàng rồi mỉm cười hắng giọng:
– Nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng duy nhất trong làng, có một con ma từ thời chủ cũ…
Chỉ đợi có vậy, hai anh em tôi lập tức xích sát vào nhau, há hốc mồm ra nghe, tóc gáy dựng đứng, thích thú và sợ hãi.
Để nhấn chìm bọn tôi hơn nữa vào cơn sợ, lần nào kể xong chú Đàn cũng láo liên mắt nhìn ra cửa, rú khẽ:
– Ối! Ma! Ma! Nó kìa!
Và lần nào cũng vậy, chú Đàn vừa nhát ma là hai đứa tôi hét lên thất thanh, người bắn lên khỏi chỗ như đang ngồi trên cái cập kênh, hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Nghe tiếng la bài hãi, ba tôi ở nhà trên hộc tốc lao xuống. Ông chắn ngang đường thoát thân của tôi và thộp lấy cổ tôi:
– Gì thế con?
Mặt cắt không còn hột máu, tôi chỉ tay về phía chú Đàn đang cười hăng hắc, miệng lắp bắp:
– Chú Đàn nhát ma.
Ba tôi chộp vội cây gậy đánh chó dựng bên vách, mắng:
– Tao đập mày nghe Đàn. Lớn đầu rồi mà chơi ngu thế!
Chú Đàn lao ra bóng đêm, nhanh như cắt. Ba tôi cầm gậy rượt theo. Tôi không biết ba tôi có đánh trúng chú Đàn được gậy nào không, chỉ nghe tiếng chân hai anh em đuổi nhau huỳnh huỵch quanh hè.
Chạy một lát, chú Đàn vù ra cổng, vọt lên đường lộ, phi thẳng về nhà bà. Lúc đó ba tôi mới thở phì phò hậm hực quay vô.
Tuổi thơ ấu của tôi, lần kể chuyện ma nào của chú Đàn cũng kết thúc với tiết mục đó. Những cuộc rượt bắt giữa ba tôi và chú chỉ chấm dứt từ ngày chú Đàn bỏ làng lặng lẽ đi tìm chị Vinh.

Theo truyennganmoingay.com